[Dịch] Thiên Hạ Hữu Địch [Luận Anh Hùng]
Ngày trước, Sơn Đông Thần Thương hội Tôn gia chỉ trong mấy chục năm ngắn ngủi đã xưng hùng đông bắc, chủ yếu là nhờ ba người.
Bọn họ phân biệt cai quản ba trong số sáu phân đường lớn của Thần Thương hội, người phụ trách quyết sách Nhất Quán đường là Trưởng Tôn Phi Hồng, người phụ trách An Lạc đường là Công Tôn Tự Thực, cùng với Trọng Tôn Không Sắc phụ trách Đắc Thích đường.
Đương thời, bởi vì ba đại cao thủ Trưởng Tôn Phi Hồng, Công Tôn Tự Thực và Trọng Tôn Không Sắc uy chấn đông bắc, ba người liên thủ không ai sánh bằng, do đó người võ lâm gọi là “Sơn Đông Đại Khẩu Thực Sắc Tôn gia”. “Thực” chính là Công Tôn Tự Thực, “Sắc” chính là Trọng Tôn Không Sắc, còn “Đại Khẩu” chính là Trưởng Tôn Phi Hồng, bởi vì y có một chiếc miệng lớn, chuyên thu ám khí, lúc giận dữ lại phát ra sư tử hống rung trời chuyển đất.
Khi đó, ba cha con Tôn Trung Tam của Chính Pháp đường, Tôn Cương của Nhất Ngôn đường, Tôn Xuất Yên của Nã Uy đường đều chưa lộ mặt, tổng đường chủ “Thương Thần” Tôn Tam Điểm của Nhất Quán đường hiện giờ vẫn chỉ là trợ thủ của Trưởng Tôn Phi Hồng mà thôi (xin đọc Thảm Lục, bộ thứ tư của Tứ Đại Danh Bổ chấn Quan Đông).
Trong số những người này, người có chí khí nhất có thể nói là Trưởng Tôn Phi Hồng. Nhưng vì triều đình trọng dụng tân đảng, Vương An Thạch làm tướng, vội vàng ban hành hiến pháp mới, quấy nhiễu nhân dân, mà trong đó “bảo ngựa”, “bảo giáp”, “quân khí giám sát” gây ảnh hưởng rất lớn đến những tổ chức bang hội như Sơn Đông Thần Thương hội. Trưởng Tôn Phi Hồng cho rằng Vương An Thạch chuyên quyền hại nước, cho nên lên đường vào kinh, mưu đồ hành thích Vương An Thạch.
Nhưng kế hoạch của y lại bị Gia Cát Chính Ngã ngăn trở.
Trưởng Tôn Phi Hồng ám sát không thành, sau đó lại từ đại nho Trình Hạo, danh sĩ Tô Thức, đại tướng Vương Thiều, biết được Vương An Thạch tính tình chính trực, thúc đẩy hiến pháp mới thật sự là vì nước an dân, chỉ là hấp tấp vội vàng, tội không đáng chết. Trưởng Tôn Phi Hồng mới từ bỏ ý định giết Vương An Thạch, trở lại đông bắc.
Khi đó, Tôn Tam Điểm do y một tay nâng đỡ đã lớn mạnh tại Nhất Quán đường, đã có xu thế “một núi không thể chứa hai hổ”.
Nhiều năm sau, y trở lại kinh sư, lần này mưu đồ hành thích kẻ bị người người oán trách là Thái Kinh. Thái Kinh mượn danh nghĩa tân đảng, nói là “thừa kế tiền nhân”, thực ra là chuyên quyền vơ vét, tợi ác khắp nơi. Khi đó Trưởng Tôn Phi Hồng tuổi tác đã dần già, biết phân biệt thị phi, phân định trung gian, y quyết chí diệt trừ tên gian tướng họa nước hại dân này.
Nhưng lần này y lại bị cao thủ do Thái Nguyên Trường nuôi dưỡng là Nguyên Thập Tam Hạn ngăn trở.
Trải qua mấy phen chiến đấu, y đã đánh Nguyên Thập Tam Hạn bị thương ở đầu, đến nỗi sau này Nguyên Thập Tam Hạn thường có cử chỉ điên cuồng, tiềm ẩn bệnh tật (xin đọc Kinh Diễm Nhất Thương). Có điều y cũng trúng phải một chiêu “Sơn Tự quyền” do Nguyên Thập Tam Hạn dùng “Nhẫn Nhục thần công” đánh ra, trọng thương rút lui, sắp thành lại bại.
Nhưng y vẫn không cam lòng, một mặt dưỡng thương, một mặt mưu đồ bí mật tiến hành lần ám sát thứ ba.
Lần này y ở lại kinh sư.
Y ở trong kinh, với sự khôn ngoan và danh vọng của mình, dĩ nhiên nắm được khá rõ xu hướng và nội tình của triều đình, biết tất cả mầm họa đều do hoa hoa thiên tử Triệu Cát trọng dụng nịnh thần, quá tin lục tặc, chà đạp bách tính, cướp bóc thiên hạ. Nếu muốn ngăn cản sự bóc lột thiên hạ bách tính đến tận xương tủy này, người đầu tiên phải giết, nên giết vẫn là hoàng đế Triệu Cát.
Cho nên Trưởng Tôn Phi Hồng hành thích lần thứ ba, lần này dĩ nhiên là muốn giết Triệu Cát.
Trưởng Tôn Phi Hồng muốn giết Thái Kinh, Gia Cát Chính Ngã có thể không để ý tới, nhưng Trưởng Tôn Phi Hồng muốn giết Triệu Cát, Gia Cát Chính Ngã lại không thể không đứng ra bảo vệ.
Lần này Trưởng Tôn Phi Hồng vì bị thương chưa lành, thất bại bị Gia Cát Tiểu Hoa đả thương.
Y đương nhiên bất bình, lớn tiếng mắng Gia Cát tiên sinh tiếp tay cho giặc, thêm dầu vào lửa, dung túng hoàng đế Triệu Cát thích đao to búa lớn, phóng túng bừa bãi.
Gia Cát đã tốn rất nhiều thời gian giải thích với y. Triều đình suy nhược lâu ngày, không phải một ngày gây nên. Hiện nay chẳng những hoàng đế bị vây quanh bởi một đám gian thần “nịnh bợ lấy ân sủng”, ngay cả xã tắc cũng do một đám cướp đoạt nắm quyền. Có những kẻ này thao túng, cho dù giết chết Triệu Cát, nhà Tống bị loạn trong giặc ngoài e rằng càng dễ sụp đổ hơn. Nếu lập thiên tử khác, nhất định cũng bị những kẻ thao túng quyền hành này điều khiển, đồng bọn giúp nhau, càng không thể gây dựng lại thiên uy của Đại Hán, chỉ sợ tai họa càng gần kề.
Đây chính là tham vọng của Gia Cát Tiểu Hoa, trong thời buổi rối ren này, vẫn cùng với một đám nhân sĩ có chí cải cách như Tứ Đại Danh Bổ kiên trì “dốc một phần lực, phát một phần sáng”. Ít nhất, có những người như bọn họ, khiến cho những kẻ xấu nắm giữ quyền lực không đến mức quá ngông cuồng. Nếu như có chuyện làm hại đất nước, sát hại trung lương, cách chức bất công và chuyên quyền độc đoán, bọn họ cũng cố hết khả năng, ngăn cơn sóng dữ, không tiếc hiến thân cùng chết.
Nhưng cách chức Triệu Cát, thời cơ chưa đến, đừng nói là đột nhiên hành thích thiên tử.
Ban đầu Trưởng Tôn Phi Hồng và Gia Cát Chính Ngã ý kiến bất đồng, nhưng lâu ngày, Trưởng Tôn Phi Hồng cũng hiểu được những lời Gia Cát nói là đúng. Nếu những chức vị quan trọng của triều đình đều bị quan xấu nắm giữ, một khi vua chết ngôi trống, chẳng phải nhà Tống sẽ diệt vong càng nhanh? Y có hỏi Gia Cát nên làm thế nào. Gia Cát tiên sinh cũng rất phiền não, chỉ có thể nhân lúc thân ở triều đình, nắm lấy mỗi thời cơ, thành thật can gián, dẫn dắt quân chủ hướng thiện, ngăn chặn nịnh quan hại dân, chấp pháp nghiêm chỉnh. Có thể ảnh hưởng một chút trong triều đình, sẽ thúc đẩy một số chính sách tốt; có thể ở trong cung một ngày, sẽ làm một chút chuyện có ích cho bách tính.
Chuyện này đương nhiên rất khó, nhưng khổ là người người chỉ lo cho thân mình, quy ẩn núi rừng, vậy xã tắc sẽ hoàn toàn nằm trong tay lang sói, quốc gia vô vọng.
Trưởng Tôn Phi Hồng tuy có quan điểm bất đồng, nhưng y đã trở thành khâm phạm, bị nhốt trong thiên lao, hơn nữa còn trúng “lục thần vô chủ hoàn” do Thái Kinh sai người lén hạ độc, cộng thêm vốn bị Nguyên Thập Tam Hạn đả thương, nước lửa giao nhau, như vào Luyện Ngục. May mắn y có nội lực cao cường, dùng “Nại Thương công pháp” bảo vệ tâm mạch, lại được Gia Cát đưa cho linh dược, mới giữ gìn được tính mạng, nhưng cũng không thể thấy mặt trời, đành phải quanh năm suốt tháng ở trong tù.
Triệu Cát đương nhiên muốn xử tử tên “nghịch tặc tạo phản” này, nhưng Gia Cát lại góp lời. Thần Thương hội tại đông bắc rất có thế lực, hơn nữa còn có cao thủ, sát thủ hạng nhất, đều là những nhân vật bang hội. Một khi bức hại quá đáng, nhất định sẽ dẫn đến phản công, khi đó chưa chắc có thể hộ giá bình an. Triệu Cát tham sống sợ chết, vừa nghe trong lòng sợ hãi, cho nên xử phạt vừa phải,chỉ giam giữ Trưởng Tôn Phi Hồng vào thiên lao.
Lại qua một thời gian, ngay cả Thái Kinh cũng cho rằng Trưởng Tôn Phi Hồng đã giống như phế nhân, không còn đáng ngại. Triệu Cát càng quên mất sự tồn tại của người này. Gia Cát lại khéo léo góp lời, hoàng đế liền giao chuyện xử trí “khâm phạm” này cho Gia Cát Tiểu Hoa.
Gia Cát có ý thả Trưởng Tôn Phi Hồng. Nhưng Trưởng Tôn Phi Hồng ngày đó được xưng là “Thê Lương Tuyệt Đỉnh Khấp Thần Thương”, mỗi thương đều có uy lực kinh thiên địa, quỷ thần khiếp, còn tại đông bắc chủ quản Nhất Quán đường quyết sách Thần Thương hội, danh chấn Sơn Đông, tung hoành thiên hạ, người khác ca tụng “không thấy mặt trời là chuyện nhỏ, chợt gặp Phi Hồng nghiệt mới lớn”. Lúc này y đã dần dần già đi, người trúng kỳ độc, lại bị thương nặng. Chủ sự hiện nay của Nhất Quán đường là “Thương Thần” Tôn Tam Điểm đã tuyên bố không hoan nghênh y trở về, ngay cả Trọng Tôn Không Sắc của Đắc Uy đường cũng không còn ủng hộ y, thế hệ mới là “Sơn Quân” Tôn Ôn và ba cha con Tôn Xuất Yên, Tôn Bạt Nha, Tôn Bạt Hà càng ra sức ủng hộ Tôn Tam Điểm. Mà Công Tôn Tự Thực đã chết, Thần Thương hội không giống năm xưa, cũng không còn ủng hộ y, cho nên y cũng không muốn trở lại đông bắc.
Y ba lần vào kinh ám sát đều sắp thành lại bại, chí lớn chưa thành. Ba lần đều thất bại, hụt hẫng. điều này hoàn toàn đối lập với năm đó y vừa ra giang hồ, xông pha chiến đấu một phen, danh chấn thiên hạ. Hiện giờ rơi vào “tình cảnh như vậy”, y đã không muốn tái xuất giang hồ, cộng thêm người bị kịch độc, trọng thương, không thể lặn lội đường xa, không thể nhìn thấy mặt trời, mà y cũng đang khổ công tiềm tu “Nội Thương quyền pháp”, dùng “Nại Thương công pháp” hộ thể, thậm chí đã không muốn bước ra khỏi thiên lao một bước.
Cho dù như vậy, y ở trong Đại Lý ngục, trong thiên lao vẫn có sức ảnh hưởng và danh vọng khá lớn. Năm đó Đường Bảo Ngưu và Trương Thán bị Nhậm Lao, Nhậm Oán nhốt vào trong ngục, cũng nhờ y ra tay cứu giúp, lên tiếng phóng thích, Trương Thán và Đường Bảo Ngưu mới có thể thoát tù, kịp thời cứu Ôn Nhu từ trong tay sắc ma, tiếc là Lôi Thuần vẫn là bị vấy bẩn (xin đọc Ôn Nhu Nhất Đao).
Cho nên, “Khấp Thần Thương” Trưởng Tôn Phi Hồng mặc dù là tù nhân, nhưng y vẫn là chúa tể một phương, người ta gọi là “Thê Lương Vương”.
Bởi vì danh tiếng của y rất vang dội, ảnh hưởng rất lớn, cho nên Vô Tình chợt nghe Gia Cát tiên sinh nhắc đến y, cũng khó tránh khỏi giật mình.
Những năm gần đây, có không ít cao thủ võ lâm, hảo hán giang hồ, bởi vì không biết nội tình, cho nên liên kết với nhau, hoặc một mình xông vào thiên lao, muốn cứu Thê Lương Vương, nhưng lại không thể toại nguyện.
Dù sao, đại lao kiên cố vững chắc, phòng vệ nghiêm ngặt, đâu phải là nơi đi lại tự nhiên.
Huống hồ Trưởng Tôn Phi Hồng cũng không muốn đi.
Nhưng những nghĩa sĩ giang hồ này có không ít nhân vật nổi tiếng, trong đó còn bao gồm nhân tài mới xuất hiện của Thần Thương hội là “Dương Mi Kiếm Khách” Công Tôn Dương, vốn ít khi để lộ tài hoa, áp đảo quần hùng (xin đọc Tứ Đại Danh Bổ Chấn Quan Đông).
Chẳng lẽ tinh anh của Thần Thương hội là Tôn Thanh Hà cũng muốn cứu Thê Lương Vương?