[Dịch] Tranh Bá Thiên Hạ

Chương 289 : Hai lần nhất tiễn song điêu


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước sau →

Thái Cực cung. Bên bãi đất trống cạnh Đông Noãn các, là một kiến trúc thoạt nhìn không hòa hợp chút nào với phong cách tổng thể của Thái Cực cung. Đây là một căn nhà ngói năm gian, nếu đặt ở một nơi nào khác, thì không hề thấy thấp bé, nhưng khi ở bên cạnh một tòa cung điện rộng lớn hùng vĩ như Thái Cực cung, gian nhà ngói này lại có vẻ không vừa mắt lắm. Phía ngoài Đông Noãn các và phía ngoài Thái Cực cung đều có một dãy nhà như vậy. Bên trái là nơi các thái giám và cung nữ nghỉ ngơi, đương nhiên còn có đại nội thị vệ. Bên phải là nơi triều thần chờ được hoàng đế tiếp kiến. Sau khi hoàng đế Thiên Hữu lên ngôi, gian nhà ngói bên phải đại điện Thái Cực đã biến thành nơi để các đại thần trong triều xử lý công việc. Hoàng đế chăm chỉ, thường xuyên gọi triều thần vào Đông Noãn Các bàn công việc. Mà các nha môn phủ bộ của triều đình đều ở bên ngoài Thái Cực cung, đi lại mất rất nhiều thời gian. Hoàng đế cho các đại thần làm việc trong gian nhà ngói bên ngoài Thái Cực cung, để thuận tiện khi ông ta cần triệu kiến. Rồi về sau, mấy gian nhà hơi cũ kỹ này dần dần biến thành biểu tượng của một loại vinh dự. Bởi vì chỉ có người được hoàng đế tín nhiệm và trọng dụng, mới có tư cách ngồi ở đó. Về sau nữa, mấy căn nhà không mấy đẹp này, được gọi bằng cái tên rất trang trọng. Gian nhà đó được gọi là Điện Tiền đình, do đó các quan viên làm việc trong mấy gian nhà ngói này, bị người ta gọi sau lưng là “đình quan”. Đã có câu đùa được lưu truyền rằng, nếu làm quan ở kinh thành mà không làm được đình quan, chi bằng đến địa phương làm quan phụ mẫu. Nhưng dù nói như vậy, người có tư cách làm việc lâu dài ở đó, tuyệt đối không quá mười người. Những người này đương nhiên cũng biết những lời bàn tán về “đình quan”, tuy nhiên đối với những lời đùa cợt hơi có phần đố kỵ đó, họ cũng không chấp nhất, ngược lại còn cho rằng, đó là điều rất đáng tự hào. Bá quan văn võ cả triều đình đông như vậy, có mấy người có thể được gọi là “đình quan”? Trong khi đó, gian nhà ngói ở phía ngoài Thái Cực cung, lại được gọi là ngoại đình, tương ứng gian nhà ngói ở bên ngoài Đông Noãn các là nội đình. Nếu như nói làm một “ngoại đình quan” đã khiến người khác hâm mộ và ghen tị, thì làm “nội đình quan”, lại càng khiến người ta hâm mộ và ghen tị hơn nữa. Sau khi Di thân vương làm loạn, ngoại đình luôn có hơn mười quan viên trấn giữ, một mặt xử lý công vụ của phủ, bộ, một mặt sắp xếp tư liệu về việc Di thân vương làm loạn. Việc này, hoàng đế thường xuyên hỏi tới. Trong khi đó, thông thường chỉ có một quan viên làm việc lâu dài ở nội đình, bất kể là trước hay sau cuộc nổi loạn của Di thân vương. Người có tư cách ngồi trong nội đình, chờ hoàng đế triệu kiến, nói về phẩm cấp cũng không cao lắm, nhưng quyền hành to lớn ngoài sức tưởng tượng. Đó chính là Chính tứ phẩm Hoàng môn Thị lang Bùi Diễn. Về phẩm cấp, ông ta còn không bằng Thượng thư các bộ, mà chỉ ngang bằng với Thị lang. Đại Tùy quá lớn, hàng ngày sổ sách từ khắp nơi trong toàn quốc trình lên, lại thêm đủ loại sổ sách ở kinh thành chuyển tới, nếu nói có thể chất đầy hai chiếc xe bò cũng không quá. Tấu chương nhiều như vậy, dù hoàng đế có chăm chỉ suốt ngày suốt đêm, cũng không thể đọc hết được, huống chi còn phải bút phê vào mỗi tấu chương. Việc chọn lọc tấu chương từng được giao cho Bỉnh bút thái giám của Ngự thư phòng, nhưng lúc Thiên Hữu Hoàng Đế Dương Dịch lên ngôi, đã bãi bỏ cái lệ này. Dương Dịch hạ chỉ, người của hậu cung tuyệt đối không được phép can thiệp vào việc công của tiền triều. Chẳng những thái giám không được phép mà cả phi tần cũng vậy. Ngay cả hoàng hậu, nhiều năm qua cũng không dám nhúng tay vào việc triều chính. Bởi vì lý do đó, mà tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa Bỉnh bút Thái giám Ngự thư phòng hiện tại và Bỉnh bút Thái giám tiền nhiệm. Trong thời gian còn tại vị, tiên đế rất coi trọng năng lực xử lý công việc của Bỉnh bút Thái giám của Ngự thư phòng, nhưng hoàng đế đương thời lại coi trọng sự trung thành hơn. Sự khác biệt lớn nhất giữa Tô Bất Úy và Ngô Bồi Thắng là ở chỗ nào, hoàng đế lại càng tự hiểu lấy. Trừ phi hoàng đế bảo y nói, bằng không y sẽ không nói một câu nào liên quan đến việc triều chính. Bởi vì Ngô Bồi Thắng xử lý công việc hành chính nhiều năm, cũng quen việc lọc lựa sổ sách của triều thần, sau đó dựa theo lập trường của hoàng đế mà bút phê vào các tấu chương không quan trọng, cho nên so với Tô Bất Úy, y càng có cảm nhận rõ rệt hơn về sứ mệnh và ý thức trách nhiệm. Nói cách khác, sự trung thành của y đối với Đại Tùy, còn mạnh mẽ hơn đối với bản thân hoàng đế. Cũng chính vì vậy, hoàng đế mới sai Ngô Bồi Thắng dẫn người tuần tra các đạo ở Tây Bắc, do đó, y mới chết một cách oan uổng. Bởi vì, y phát hiện bí mật của Lý Viễn Sơn. Mộc Tiểu Yêu không phải là người đầu tiên phát hiện ra mỏ sắt đó, mà là Ngô Bồi Thắng. Bởi vậy cho nên Lý Viễn Sơn mới tốn công bố trí một bẫy rập to lớn đầy máu tanh như vậy, khiến dân chúng toàn thành Phan Cố phải bồi táng theo Ngô Bồi Thắng. Phương Giải đoán không sai, tối hôm thành Phan Cố xảy ra chuyện, Ngô Bồi Thắng bất quá chỉ là một nhân vật không quan trọng. Ngô Bồi Thắng điều tra ra được manh mối Lý Viễn Sơn muốn làm phản, cũng phát hiện ra sự tồn tại của mỏ sắt kia, nhưng y không thể tìm được cách truyền tin đó ra ngoài ngay lập tức, mà nhất cử nhất động của y, đều bị Lý Viễn Sơn theo dõi chặt chẽ. Để được Lý Viễn Sơn tín nhiệm, y vờ như không phát hiện được gì, còn vờ tham lam nhận nhiều vàng bạc của Lý Viễn Sơn, lại đồng ý vì Lý Hiếu Tông mà diệt trừ Phương Giải. Nhưng thật ra, đó chỉ là Ngô Bồi Thắng đánh giá thấp Lý Viễn Sơn mà thôi. Trên thực tế, cho tới bây giờ, Lý Viễn Sơn cũng không tin Ngô Bồi Thắng. Phan Cố là một cái bẫy giết người - một cái bẫy giết người được bố trí cho Ngô Bồi Thắng. Để chứng tỏ mình thật sự chỉ là một thái giám tham tiền hám lợi, Ngô Bồi Thắng chấp nhận đề nghị đến Phan Cố của Lý Viễn Sơn. Nhưng nơi đó, là một phần mộ đã được đào sẵn cho y, cũng là một phần mộ to lớn được đào sẵn cho hai nghìn dân chúng và tám trăm biên quân. Từ khi Lý Viễn Sơn bắt đầu phát hiện Ngô Bồi Thắng đang âm thầm điều tra mình, Lý Viễn Sơn liền trù tính biện pháp giết chết một đại nhân vật từng được tiên đế trọng vọng, mà hiện giờ cũng rất có ảnh hưởng đối với hoàng đế đương thời. Nếu muốn giết một Bỉnh bút thái giám, mà bố trí một vụ giết người cướp của bởi giới giang hồ, rõ ràng là không thực tế, không cách nào làm người khác tin được. Hơn nữa, tuy tu vi của Ngô Bồi Thắng không tăng lên, như dù sao cũng là cao thủ thất phẩm. Người có thể giết được y, phải là một khách giang hồ có tu vi bát phẩm trở lên, nhưng người như thế, không ai chịu đi làm cái việc chặn đường cướp của như sơn tặc. Một người có tu vi bát phẩm trở lên, cho dù không phục vụ triều đình, chỉ cần tùy tiện đầu quân cho một hãng buôn hoặc một thế gia vọng tộc nào đó, đều sẽ được trọng dụng và tôn kính. Bởi vậy, muốn giết Ngô Bồi Thắng, Lý Viễn Sơn phải tìm một cái cớ khiến cả hoàng đế và triều đình tin tưởng. Vì chuyện đó, Lý Viễn Sơn mới nghĩ tới người Mông Nguyên. Hoàng môn Thị lang Bùi Diễn ngồi trên ghế, nhìn đống tấu chương chất cáo như núi trên cái án trước mặt, khẽ đưa tay day day giữa hai chân mày, Ông ta đã ngồi đây hơn hai canh giờ để xử lý tấu chương, nhưng vẫn chưa hết được một phần tư. Đây là công việc chủ yếu hàng ngày của ông ta, dựa vào mức độ quan trọng nhiều ít của tấu chương mà phân loại. Lựa lấy những tấu chương quan trọng, đưa đến Đông Noãn các để trình lên hoàng đế, còn tấu chương không quan trọng, ông ta sẽ dùng giọng điệu của hoàng đế mà phúc đáp.. Ông ta còn phải chịu trách nhiệm thảo chiếu thư, ngọc tỷ tượng trưng cho địa vị hoàng đế, được để trên bàn bên cạnh. Rất ít dân thường biết được, thì ra dấu ngọc tỷ in trong thánh chỉ, phần lớn cũng không phải do đích thân hoàng đế đóng dấu vào. Thật ra, người quen thuộc với triều đình đều biết, muốn biết ý chỉ có phải do hoàng đế đích thân viết hay không, chỉ cần nhìn con dấu đóng trên đó là biết. Nếu như dấu trên thánh chỉ là tám chữ triện “Vâng theo mệnh trời, hưng thịnh vĩnh viễn” (1), thì đó là thánh chỉ do Hoàng môn Thị lang viết thay hoàng đế, còn dấu nào trên thánh chỉ là bốn chữ nhỏ và ngay ngắn “Đông Noãn chủ nhân”, thì đó là thánh chỉ do hoàng đế tự tay viết. Bùi Diễn dựa người ra phía sau, xòe hai tay ra. Có lẽ ngày nào cũng ngồi lâu, cổ ông ta càng ngày càng khó chịu. Ngày nào ông ta cũng bị cảm giác đau nhức dày vò, có khi còn buồn nôn muốn ói. Uống một ngụm trà thật đậm, Bùi Diễn cố đè ép cơn buồn nôn cuộn lên từ dạ dày. Mấy ngày gần đây, công việc rất nhiều, mỗi ngày ông ngủ chưa tới ba canh giờ. Chẳng những phải đối mặt với đám giấy tờ chất cao như núi, còn phải luôn luôn phán đoán tâm tư của hoàng đế, việc này càng mệt hơn giải quyết công vụ. Bùi Diễn nghỉ ngơi một lát, rồi lại chăm chú xem một bản tấu chương trước mặt. Tấu chương này là do một huyện lệnh ở Sơn Đông đạo liều mạng phái người chuyển đến kinh thành. Để tới được đây, nó đã phải qua rất nhiều bước: để tránh sự kiểm tra của phản tặc Tây Bắc, bản tấu chương này được ngụy trang là thư nhà gứi đến quê quán của viên huyện lệnh ở quận Đông Bình, sau đó người nhà ông ta bí mật chuyển giao cho bằng hữu của viên huyện lệnh, rồi bằng hữu của ông ta đích thân mang đến Trường An. Cho nên khi vừa đọc tới bản tấu chương này, đôi mày Bùi Diễn lập tức nhíu lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là bản tấu chương quan trọng nhất ngày hôm nay. Tấu chương được viết trên một tấm da dê bình thường, nhưng được xử lý bằng một phương pháp bí truyền. Chỉ khi dùng nước phun lên mặt tấm da, chữ viết trên đó mới hiện ra. Đại nội thị vệ hiện vẫn dùng biện pháp này để chuyển mật báo, rất ít người biết rõ. Nếu chẳng phải bằng hữu của viên huyện lệnh đích thân tới Trường An, lúc trình tấu chương đã nói rõ, Bùi Diễn cũng không đọc được những chữ viết ẩn giấu trên tấm da dê. Đây là tấu chương được viết bằng những chữ nhỏ li ti, không dưới ngàn chữ, kể lại tỉ mỉ tình hình hiện nay ở ba đạo Tây Bắc, thậm chí còn nói một chút về sự bố trí binh lực của phản quân. Mà điều làm Bùi Diễn cảm thấy hứng thú nhất, là tấu chương còn nhắc lại một chuyện liên quan đến Ngô Bồi Thắng. Cuộc tàn sát ở Phan Cố trước kia. Viên huyện lệnh này qua lại thân thiết với một vị tướng trong quân đội của Lý Viễn Sơn, trong lúc quá chén, vị tướng kia đã nói với y về bí mật này. Tấu chương viết, sau khi Ngô Bồi Thắng tới Tây Bắc, đã âm thầm điều tra xem Lý Viễn Sơn có tham ô hay không, đó là chức trách của ông ta khi đi tuần tra các đạo ở Tây Bắc. Nhưng chính vì Ngô Bồi Thắng là người hết sức nghiêm túc và cẩn thận, cho nên rốt cuộc ông ta đã tra ra được chuyện Lý Viễn Sơn âm mưu làm phản. Nhưng việc ông ta ngầm điều tra nghe ngóng, cũng không giấu điếm được Lý Viễn Sơn, cho nên mới xảy ra thảm án thành Phan Cố. Dân chúng và biên quân đều do Lý Viễn Sơn giết chết. Sau đó, Lý Viễn Sơn giá họa cho người Mông Nguyên, thế là che giấu được việc một đại thái giám bị giết. Nhưng mục đích của Lý Viễn Sơn tuyệt đối không chỉ có thế, đó hoàn toàn là kế “nhất tiễn song điêu”. Vừa giết Ngô Bồi Thắng, lại khiến hoàng đế nảy ra ý nghĩ đem quân thảo phạt người Mông Nguyên. Lý Viễn Sơn biết hoàng đế vẫn luôn cánh cánh trong lòng việc chinh phạt đối với Mông Nguyên, nhưng vẫn chưa hạ quyết tâm. Y hiểu sự kiêu ngạo của người trong hoàng tộc họ Dương, bèn bịa ra chuyện Mông Nguyên tàn sát thành Phan Cố, trước hết là giết được Ngô Bồi Thắng, thứ hai là thúc đẩy hoàng đế mau chóng tây chinh. Chỉ khi hoàng đế tây chinh, y mới có thể nhân cơ hội làm phản. Cái trò nhất tiễn song điêu này, đâu phải lần đầu tiên Lý Viễn Sơn trình diễn. Bản thân Bùi Diễn là một trong vài người thân tín nhất của hoàng đế, đương nhiên biết chuyện Tây hành của Trung thân vương mấy chục năm trước. Chuyện đó, cũng do Lý Viễn Sơn bịa ra. Lúc đó hoàn toàn không có việc cao thủ Mông Nguyên lẻn vào Đại Tùy định ám sát hoàng đế, nhưng Lý Viễn Sơn đã thêu dệt như thật và mật báo tới Trường An. Sau đó hoàng đế tìm Trung thân vương đến bàn bạc, Trung thân vương lập tức quyết định đi về phía tây để tiêu diệt kẻ địch. Sau đó Lý Viễn Sơn lại sai người bí mật báo tin cho người Mông Nguyên, nói triều đình Đại Tủy phái nhiều cao thủ giang hồ chuẩn bị lẻn vào Mông Nguyên ám sát Đại hãn Mông Ca. Vì vậy, người Mông Nguyên vội tập trung nhân thủ ngăn cản. Tuy nhiên do tính toán thời gian hơi lệch nhau, lúc nhóm cao thủ giang hồ của Đại Tùy đã tới Phan Cố, phía Mông Nguyên vẫn chưa tập trung được nhiều cao thủ. Bởi vậy ban đầu giao chiến, cao thủ giang hồ của Đại Tùy giết sạch người của Mông Nguyên. Thế nhưng về sau, người của Phật Tông lần lượt chạy tới, hai phe mới thật sự ngang tài ngang sức chém giết nhau. Phía cao thủ giang hồ của Đại Tùy cũng bắt đầu liên tục có người chết trận. Trong sự kiện đó, thoạt nhìn thì người được lợi nhiều nhất là Di thân vương Dương Dận, nhưng thật ra là Lý Viễn Sơn. Y nhân cơ hội này, làm cho Trung thân vương mất tích, cũng làm cho người Mông Nguyên tín nhiệm mình. Trước sau hai lần nhất tiễn song điêu, Lý Viễn Sơn đều rất thành công. Lần đầu tiên, y đã khiến nhiều cao thủ có thực lực không tầm thường của Đại Tùy bị tiêu diệt, cũng khiến Trung thân vương mất tích. Lần thứ hai, chôn vùi bảy mươi vạn đại quân tinh nhuệ của Đại Tùy, Tây Bắc trống rỗng, không còn ai có thể ngăn y tạo phản. Xem bản tấu chương, lại nhớ tới chuyện của Trung thân vương, Bùi Diễn không kìm được tiếng thở dài...Lý Viễn Sơn, ngươi thật sự không hổ là con cháu của Lý Khiếu, trù tính ra mưu sâu kế độc như vậy. Ông ta lắc đầu, trấn định suy nghĩ phức tạp trong lòng, rồi cầm tấu chương kẹp nách đứng lên, che dù rời khỏi nội đình. Nửa canh giờ trước, trời bắt đầu mưa nhỏ, tí ta tí tách đến tận bây giờ. Bước ra khỏi cửa, Bùi Diễn mở dù lên, chợt ngẩn người. Y nhìn thấy, dưới cơn mưa, trên bãi đất trống bên ngoài Đông Noãn các, có một thiếu niên mặc đồ đen chắp tay đứng đó, thân thể thẳng tắp như một ngọn giáo. Thiếu niên hơi ngẩng đầu nhìn lên trời, dường như không để ý những giọt mưa rơi trên người trên mặt, thản nhiên như không. Khi nhìn thấy cảnh đó, bỗng nhiên Bùi Diễn nhớ lại nhiều năm trước đó, lần đầu tiên mình thấy Trung thân vương, cũng trong một cơn mưa. Lúc đó Trung thân vương dẫn mấy trăm gia nô trấn giữ cửa thành, từng nhóm, từng nhóm Cấm Vệ quân xông lên, rồi lại lần lượt ngã xuống. Trong cơn mưa ngày đó, Trung thân vương cũng mặc đồ đen, cũng đầy vẻ thản nhiên như thế này, dường như không coi đám Cấm Vệ quân kia vào đâu. Giống hệt nhau... (1) Nguyên văn: Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương. Năm 221, Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, sau đó được “Ngọc họ Hòa”, bèn cho mài dũa “Ngọc họ Hòa” thành ngọc tỷ truyền quốc (con dấu của vua dùng, được gọi là “tỷ”), trên khắc tám chữ triện “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương”.