Tây Sơn Hoàng Triều
Sáng sớm, mặt trời chói chang ngự trên mây cao, soi rọi ánh nắng nồng nàn xuống kinh đô hoa lệ, ánh nắng ấm áp xua tan đi không ít làn không khí âm u đang bao phủ kinh đô. Có câu "Loạn thế xuất anh hùng", thiên hạ khắp nơi người người đều rộn ràng vì lợi, tan lâu tất hợp, hợp lâu tất tan, đó là lẽ tự nhiên, chỉ là người khổ cuối cùng vẫn là dân chúng, trời đất vô tình, mạng người như cỏ rác, ở trong thời loạn lạc lại như một bông hoa sáng nở chiều tàn, ở dưới đại thế cuồn cuộn như dòng sông chảy xiết ấy chẳng biết có bao nhiêu người thân bất do kỷ mà cửa nát nhà tan lại cũng có những kẻ may mắn tài năng nở rộ thăng hoa như cá chép ngược dòng vượt long môn.
Sáng nay lúc lên chầu, Cảnh Thịnh nhận được tin cấp báo từ tiền tuyến, Hộ giá thượng tướng Nguyễn Văn Huấn và Kiểm điển Trần Viết Kiết đem quân đánh úp Diên Khánh bại trận mà quay về khiến cho quân Tây Sơn sĩ khí đại giảm. Quần thần nghe tin đều cảm thấy bàng hoàng, Đại tổng quản Trần Quang Diệu đứng ra xin được lãnh binh thề sống chết cũng phải thu phục lại Diên Khánh, Thái sư Bùi Đức Tuyên hiếm thấy một lần lo cho xã tắc cũng đứng ra ủng hộ nhiệt tình. Cảnh Thịnh mặc dù đồng ý nhưng chưa cho xuất quân ngay mà lấy lý do quân Nguyễn mới đại thắng quân ta nên khí thế còn rất cao để trì hoãn, muốn đánh Diên Khánh cần phải đợi một thời gian để sĩ khí của quân Nguyễn hao bớt đi, định ra một tháng sau để khi Bộ Công trù bị quân lương đầy đủ thì sẽ giao cho Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân mười vạn quân tái chiếm Diên Khánh.
Nơi tẩm cung, Bùi Thị Nhạn ngồi trên giường nhắm mắt dưỡng thần, trong lòng liên tục suy nghĩ đến nội dung tờ mật tin của Cảnh Thịnh mà nàng mới nhận được sáng nay, nàng cũng tự hỏi chẳng biết từ lúc nào mà Cảnh Thịnh lại có năng lực lớn đến như vậy, có thể vượt qua vô số ánh mắt giám sát của những người trong cung mà lặng yên đưa tin đến tận tay nàng. Bùi Thị Nhạn là một người phụ nữ nhưng nàng không phải là một người phụ nữ tầm thường, nàng chính là một trong "Ngũ phụng thư" , trước kia tay nắm binh quyền xông pha trận mạt, chém giết tắm máu không phải nói chơi, ngày hôm nay càng là Thái hậu quyền nghiêng thiên hạ, nhà Tây Sơn có được như hôm nay trong đó cũng có một phần đóng góp mồ hôi và máu của nàng, nếu như những gì mà Cảnh Thịnh nói là đúng, nàng quyết không thể để cho kẻ nào làm sụp đổ nhà Tây Sơn, cho dù là người thân của nàng cũng không được. Mở mắt ra, Bùi Thị Nhạn quyết đoán nói:
-Truyền Thượng thư Bộ Hình đến gặp ta!
Phía ngoài cửa lập tức có tiếng thái giám đáp lời.
Trong thư phòng của mình, lúc này Cảnh Thịnh đang suy nghĩ đến tình huống của buổi chầu sáng hôm nay, lúc hắn còn đang ngẩn người thì chợt có tiếng cửa mở ra, Hòa công công bước vào, đi đến bên cạnh, thì thầm vào tai Cảnh Thịnh.
-Làm rất tốt, lão Hòa, lão không uổng là tâm phúc của phụ hoàng!
Cảnh Thịnh nghe xong vui mừng nói.
-Tạ bệ hạ khen thưởng, Bùi thái sư mặc dù nắm hết quyền hành trong triều nhưng còn chưa đến mức dám ngang nhiên can thiệp vào trong cung cấm, lão nô trải qua bấy nhiêu năm hầu hạ ở trong cung, chút nhân mạch này cũng không tính là gì.
Hòa công công khiêm tốn nói.
Cảnh Thịnh gật đầu, điều này là tự nhiên không có gì đáng nói, hắn nhìn Hòa công công thấy dáng vẻ gầy yếu già nua, thân thể lúc nào cũng run run như lung lay trước gió của lão mà không khỏi thấy cảm động, tính ra cũng là người có tuổi rồi nhưng lại hết lòng trung tâm lo lắng, điều này khiến cho lòng Cảnh Thịnh vô cùng cảm kích:
-Lão Hòa, lão cũng có tuổi rồi, lúc nào cần nghỉ ngơi thì nên nghỉ ngơi, tránh cho lao lực quá sức, trưa nay Trẫm sẽ lệnh cho Thái Y Viện nấu vài thang thuốc bổ đưa qua cho lão.
Hòa công công dập đầu bái tạ:
-Tạ chủ long ân!
Cảnh Thịnh thở dài nhìn ra cửa sổ:
-Bùi Thái Sư chỉ là tên hề nhảy nhót, cho dù như thế nào đi chăng nữa thì Trẫm cũng là vua một nước, muốn diệt hắn dễ như trở bàn tay, điều Trẫm sợ chính là những thế lực ẩn trong bóng tối kia nếu không trừ tận gốc thì ngoài giặc trong loạn đấy mới là họa mất nước, thời gian không đợi người, chỉ hy vọng còn bổ cứu kịp.
Hòa công công chậm rãi đứng lên, ánh vào trong đáy mắt lão là hình ảnh một đứa bé mười hai tuổi đang nhíu mày lo lắng cho vận nước, lão có cảm giác hoang đường là đêm trước khi Cảnh Thịnh té ngã và sau khi Cảnh Thịnh tỉnh lại chính là hai con người hoàn toàn khác nhau, trước kia Cảnh Thịnh chỉ là một đứa trẻ vô tư ham chơi còn bây giờ Cảnh Thịnh lại giống như là một người trưởng thành, nhưng cho dù có hơi thắc mắc, lão vẫn chôn sâu điều đó vào trong đáy lòng, lão mới mặc kệ người khoác long bào ngồi kia là ai, miễn là trong người hắn còn chảy xuôi dòng máu của tiên đế là người thừa kế chính thống thì hắn đều cúc cung tận tụy, làm tròn trách nhiệm của một nô tài, huống hồ là trên vai hắn còn gánh lấy trọng trách mà tiên đế trước khi băng hà giao phó.
Thiên lao trọng địa nằm ở phía nam cấm thành là nơi giam giữ tù phạm có địa vị có tội trạng nghiêm trọng của đất nước, nơi này được quân sĩ phòng thủ nghiêm ngặt, không những có trọng binh mà còn có trọng khí bảo hộ, kẻ nào đã tiến vào ngục thì có mọc cánh cũng khó mà bay. Đêm nay, Thượng thư Bộ Hình Bùi Văn Nhật đột nhiên dẫn người đến đây, nói là phụng ý chỉ của Bùi Thái Hậu tái thẩm vấn Lê Văn Hưng, thủ vệ sau khi nhìn thấy thánh chỉ của Bùi Thái Hậu liền không dám cản trở. Bùi Văn Nhật cùng hai gã trợ thủ tiến Thiên Lao chỉ nửa canh giờ liền đi, thủ vệ cẩn thận kiểm tra liền thấy Lê Văn Hưng một thân bê bết máu, đầu tóc rối bù nằm co ro trong góc tường, rõ ràng là đã chịu cực hình, bởi vì trước khi rời đi Thượng thư Bùi Văn Nhật có nói là Bùi Thái Hậu đã hạ nghiêm lệnh không cho bất cứ kẻ nào tùy tiện tiếp xúc phản thần, cho nên thủ vệ cũng không dám tiến vào trong ngục hỏi thăm, chỉ cần nhìn thấy Lê Văn Hưng còn sống là được.
Phủ Thái Sư, Bùi Đắc Tuyên hiện tại rất là hưởng thụ, một tay ôm mỹ nhân một tay cầm chén rượu, mắt xem nhảy múa, tai nghe tiếng nhạc rất là vừa lòng thỏa ý, lúc này gã rất có dáng vẻ "say nằm gối mỹ nhân, tỉnh chưởng quyền thiên hạ", nhân sinh đến thế này thật là sảng khoái, khoảng thời gian qua mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái, ở trong triều đã có rất ít tiếng nói chống đối gã, kết quả của những người dám chống đối thách thức quyền thế của Thái sư đều thê thảm, kẻ thì bị đẩy đi xa, kẻ thì bị khép tội bỏ ngục, ngay cả Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ cũng bại dưới tay gã. Lúc này, Bùi Đắc Tuyên như cảm thấy ngai vàng đang càng ngày càng gần hơn một bước, nhớ tới ngai vàng, hắn lại không thể không nhớ tới một người đó là Trần Quang Diệu, y là cháu rể của gã thật, nhưng gã biết rõ tận sâu trong thâm tâm Trần Quang Diệu vẫn luôn khinh thường gã cho dù bởi vì Bùi Thị Xuân cùng Bùi Thái Hậu mà mặt ngoài không dám cãi lời gã, nhưng thái độ lạnh nhạt thờ ơ của y lại khiến cho Bùi Đắc Tuyên có cảm giác vô cùng khó chịu, giống như là trong mắt của y, Bùi Đắc Tuyên chỉ là một nhân vật nhỏ bé không có tồn tại, không đáng giá nhắc tới.
Sáng nay, trên buổi chầu sớm, Trần Quang Diệu lại chủ động nhảy ra xin lãnh binh rời kinh đi đánh giặc, chuyện này vô tình trùng hợp với tính toán của Bùi Đắc Tuyên, vốn là gã đang tính toán đẩy nhanh việc loại bỏ hết cựu thần trung thành với triều cũ, đưa tay chân thân tín vào nắm những vị trí quan trọng sau đó bức Cảnh Thị thoái vị đưa con gã lên ngôi, chỉ là gã còn đang e ngại thái độ của người cháu rể tay nắm binh quyền này, bởi vì nói gì thì nói Trần Quang Diệu cũng là một trong những đại thần đáng tin cậy nhất của tiên đế khi trước, đương lúc gã đang đau đầu không biết xử trí người cháu rể này thế nào thì nay Trần Quang Diệu cùng Bùi Thị Xuân lại chủ động rời xa kinh thành, thật diệu quá thay, thiên ý như thế, Bùi Đắc Tuyên cớ sao mà không ủng hộ, thuận thế mà làm bởi vì vậy sáng nay trên buổi chầu quân thần mới có thể thấy được một màn Thái sư chăm lo việc nước. Sau khi Trần Quang Diệu rời kinh, Bùi Đắc Tuyên sẽ trắng trợn thâu tóm quyền hành, khống chế cả kinh thành, sau đó dùng thế sét đánh bức vua thoái vị nhường ngôi, trong thì có Bùi Thái Hậu ủng hộ, ngoài thì các trọng thần của triều cũ đã bị đánh rơi, lại có Ngô Văn Sở là con rể, đến lúc đó Trần Quang Diệu chỉ còn nước thuận theo gã, có được Trần Quang Diệu toàn tâm toàn ý ủng hộ trấn áp quân đội vậy thì coi như đại thế đã thành, giang sơn trong tay.
-Trời cũng giúp ta!
Bùi Đắc Tuyên đắc ý thầm nghĩ, đương lúc gã say sưa với giấc mộng hoàng đế của mình thì chợt có một giọng nói nửa nạc nửa mở vang lên khiến cho gã giật bắn cả mình, mất hết cảm xúc:
-Thái sư a ...Thái sư...ngài không biết chữ chết viết thế nào hay sao mà còn yên tâm ngồi đây hưởng thụ?
Nghe đến từ chết, Bùi Đắc Tuyên rùng hết cả mình, nhớ năm xưa lúc gã vì nịnh nọt Cảnh Thịnh mà đã xúi giục Cảnh Thịnh bắt hai đại tướng Võ Đình Tú và Đặng Xuân Phong đánh nhau mua vui khiến cho tiên đế tức giận từng thét võ sĩ lôi gã ra chém đầu, nếu không nhờ Cảnh Thịnh cứu giúp thì giờ này gã đã nằm sâu dưới lòng đất, chính vì vậy sau lần từ quỷ môn quan đó trở về Bùi Đắc Tuyên rất mẫn cảm với từ "chết".
-Lời ấy nói thế nào?
Bùi Đức Tuyên tức giận quát lớn, đồng thời phất tay ra hiệu cho người hầu lui ra hết.