[Việt Nam] Chúa Tàu Kim Quy

Chương 3 : III


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước sau →

Đã biết trong sách nho có câu rằng: “Gươm dao tuy bén song người vô tội không thể chém được”, nhưng mà việc của con người làm nào có phải như lời trong sách vậy đâu. Có lẽ Lê Thủ Nghĩa cũng nghĩ như vậy, nên lúc từ biệt cha ngồi xuồng mà qua bên tỉnh, tuy biết mình là người vô tội, song bụng phập phồng không biết việc rồi đây lành dữ thể nào. Bởi vậy cho nên Thủ Nghĩa ở dưới xuồng buồn bã trăm chiều, ngó nước xanh lại càng lạnh lẽo tấm lòng, trông trời trăng cứ vái van độ mạng. Chiều qua tới An Giang rồi tên lính mới dắt Thủ Nghĩa đi thẳng vào dinh quan Án mà nạp. Bữa ấy quán Án không ra khách, có một ông Kinh lịch già giở tờ phúc của quan Huyện ra xem rồi ngó Thủ Nghĩa lườm lườm. Thủ Nghĩa sợ không dám ngó lên, cứ đứng khoanh tay mà ngó xuống đất. Ông Kinh lịch thấy vậy bèn cười gằn mà nói rằng: “Mầy cả gan dữ há!”. Thủ Nghĩa nghe nói chưng hửng không hiểu trong tờ phúc nói làm sao mà mình bị quở như vậy, nên lật đật và lạy và khóc kêu oan, nói rằng mình chẳng hề khi nào dám trái luật triều đình mà theo đạo. Ông Kinh lịch rầy nói: “Nói tờ phúc như vầy mày còn chối gì nữa?”. Rồi dạy lính dắt Thủ Nghĩa vào khám. Thủ Nghĩa thấy việc chẳng hiền nên sợ run lập cập; nước mắt chảy dầm dề, bị lính nắm tay dắt thì cứ đi theo, chớ tâm thần bối rối không còn hiểu được việc chi nữa hết. Đêm ấy nằm trong khám suy nghĩ hoài không hiểu vì cớ nào quan Huyện đã nói để kiếm thế cứu mình mà sao quan Kinh lịch xem phúc bẩm rồi lại cười gằn và hăm dọa mình như vậy. Thủ Nghĩa tính thầm trong bụng nếu quan trên kêu hỏi thì mình đừng sợ nữa, việc thiệt mình cứ khai thiệt cho hẳn hòi, không lẽ mình vô tội mà người ta nói mình có tội được. Tính như vậy cũng phải, mà đợi hoài cho đến tám chín bữa cũng chư thấy quan đòi hỏi chi hết. Qua bữa thứ mười có ông Kinh lịch già vào xem xét tù trong khám, Thủ Nghĩa thấy ổng đi ngang bèn quì trước ổng mà kêu oan và xin ổng xét giùm phúc bẩm của quan Huyện Đông Xuyên rồi tha mình về nhà nuôi cha già mẹ bịnh. Ông Kinh lịch hỏi tên mới biết Lê Thủ Nghĩa bèn cười mà nói rằng: “Quan Thượng và quan Án đã xét tờ phúc rồi kêu án mầy chung thân hổm nay, mầy còn nói gì nữa được”. Thủ Nghĩa nghe nói ở tù chung thân thì ngã lăn mà khóc rống lên, xem ra lấy làm thảm thiết. Ông Kinh lịch ngó lơ rồi bỏ đi, không thèm nói chi hết. Mấy trăm tội nhơn ở trong khám thấy vậy không hiểu chuyện gì, áp chạy lại đứng chung quanh, người thì lấy lời dịu ngọt mà hỏi thăm, kẻ thì dùng tiếng điếm đàng mà cười ngạo. Thủ Nghĩa không thèm nói chi hết, đứng dậy đi riết lại góc khám ngồi khoanh tay mà than khóc. Mấy người hỏi dịu ngọt mà không thấy trả lời thì họ ghét nên họ không thèm hỏi nữa, mà họ cũng không thèm an ủi. Còn mấy đứa theo cười chê nó thấy tánh tình như thế nó càng chọc thêm, làm cho Thủ Nghĩa nổi giận gây gổ rồi sanh ra một đám đánh lộn rần rần trong khám. Lính trong khám vào đánh tả đánh hữu đâu đó rạp hết rồi mới bẩm với quan trên rằng Thủ Nghĩa có bịnh điên. Quan trên không tra xét chi hết, liền dạy bỏ Thủ Nghĩa vào khám tối ở một mình, không cho tên tù nào được lai vãn đến đó. Thủ Nghĩa vào khám tối ngó quanh quất thì mờ mờ, chỉ thấy có một tấm ván ngựa bằng dầu bỏ dưới đất mà thôi, chớ không thấy có vật chi hết. Mỗi ngày đến bữa ăn thì lính đem vô một tô cơm với vài hột muối, lâu lâu mới cho một con mắm sặc nhỏ bằng hai ngón tay. Hễ ăn rồi thì anh lính đóng cửa bỏ ở một mình, muốn thức thì thức, muốn ngủ thì ngủ, không ai rầy la chi hết. Lúc mới vô khám tối thì Thủ Nghĩa cứ nằm than khóc hoài không biết ai mà nhắn lời cho cha mẹ hay, kẻo cha mẹ mỏi lòng trông đợi. Nghĩ như vậy rồi lại sợ, vì cha đã già, mẹ thì có bịnh, nếu hay con bị kết án chung thân thì chắc là cha ưu sầu chẳng khỏi ly trần, mẹ áo não, bịnh càng khó trị. Lo cho cha mẹ rồi lại lo cho nỗi em, vì phận em yếu đuối mà lại mang tiếng nhuốc nhơ chẳng biết Phạm Kỉnh Chi có thương mà bảo bọc hay không, hay là sợ lây tiếng xấu rồi hồi không chịu cưới. Thủ Nghĩa lo việc nhà hết sức rồi mới nghĩ tới việc mình, nghĩ chừng nào càng nghi cho Trần Tấn Thân lo với quan Huyện đặng lập thế mà hại mình, mà nghi chừng nào thì giận thêm chừng nấy. Ngày đêm Thủ Nghĩa xây quanh trong khám tối, nằm hết sức rồi đi chung quanh, mà dầu nằm hay ngồi, hay là đi cũng nhớ cha mẹ thương phận em, chẳng có một giây phút nào mà quên được. Có nhiều khi Thủ Nghĩa não đời buồn trí muốn bỏ ăn đặng chết phức cho rồi, song nghĩ phận làm trai mang nặng gánh hiếu trung, dầu tai ương hoạn nạn đến thế nào cũng phải bền chí mà lo báo bổ đức sanh thành, tài bồi nền vương thổ. Có nhiều lúc Thủ Nghĩa oan tình tức giận, tính lập mưu kiếm kế mà thoát thân, song thấy tường cao cửa chắc khó nổi ra, nên cực chẳng đã phải co tay chịu phép. Thấm thoát ngày qua tháng lại, chốn lao tù xẩn bẩn đã năm năm. Ngày kia, Thủ Nghĩa đương nằm chèo queo trên tấm ván dầu mà than thân trách phận, suy tới nghĩ lui, trong khám thì tăm tối lờ mờ, chung quanh thì tiếng người vắng bặt, thình lình nghe sạt sạt dường như có ai đào đất dưới chỗ mình nằm. Thủ Nghĩa không hiểu ai làm việc chi ở đâu, bèn lóng tai nghe thì tiếng sạt sạt cũng còn hoài cho đến lính gần đem cơm mới hết nghe nữa. Tối bữa ấy thì im lìm, qua ngày sau buổi sớm mai thì cũng chẳng nghe tiếng chi, đến chừng ăn cơm sớm mai rồi lại nghe như vậy nữa, cho đến xế chiều mới dứt. Từ ấy về sau mỗi bữa đều có nghe như vậy, mà tiếng nghe ngày càng lớn. Thủ Nghĩa lấy làm lạ nên có ý trông coi ai làm việc chi ở đâu. Nghe như vậy trọn một tháng trường mà cũng không thấy chi hết nên lần lần mỏn chí không thèm để ý đến nữa. Một buổi trưa, Thủ Nghĩa ăn cơm rồi nằm gác tay lên trán mà tưởng đến việc nhà, tưởng một hồi rồi tâm thần mờ mệt, trong vía ngó thấy một người dị hình dị dạng mở cửa khám mà dắt mình ra rồi chỉ đường cho mình về. Về đến Tân Châu thấy chỗ mình ở khi trước cửa nhà tiêu hết, mà lại có ba bốn cái mồ đất nằm đó thì mủi lòng nên ngồi dựa mấy cái mả mà khóc. Chừng khóc mới giựt mình thức giấc rồi ngồi dậy thấy dựa chỗ mình nằm đất đùn lên dường như có ai ở dưới đất moi đất mà chun lên vậy. Thủ Nghĩa thấy việc quái gở lấy làm kỳ, liền đứng dậy rồi nép một bên có ý rình coi ai làm việc chi cho biết. Cách chẳng bao lâu đất đùn lên thì có một cái lỗ trống chừng bằng cái thúng. Thủ Nghĩa vừa bước lại dòm coi thì ở dưới lỗ ấy có một người trồi đầu lên, râu ria xồm xàm, quần áo lang thang lưới thưới, coi dị hình dị dạng lắm. Anh ta nhớ sự chuyện mình chiêm bao thấy khi nãy, tưởng người này đến cứu mình, nên lật đật quì xuống và khóc xin cứu giùm làm phước. Người dị hình ấy thấy Thủ Nghĩa quì khóc thì chưng hửng, đứng ngó quanh quất một hồi, rồi mới bước lại gần dòm sát trong mặt và nắm tay Thủ Nghĩa mà nói rằng: - Ngộ có phép gì mà cứu nị được? - Vậy chớ ông là ai? - Ngộ cũng ở tù như nị làm vậy mà. Thủ Nghĩa nghe nói cũng ở tù như mình thì biết người ấy muốn đào ngạch mà thoát thân, song rủi đào sai đường nên mới lọt vào trong khám tối của mình. Thủ Nghĩa bèn ngồi trên tấm ván mà thở ra. Người ấy lại khoanh tay một bên Thủ Nghĩa rồi hỏi thăm Thủ Nghĩa quê quán ở đâu, có vợ con hay chưa, bị tội chi mà ở tù, và ở tù đã được bao lâu rồi. Thủ Nghĩa tuy thấy người ấy là chệt khách, song vì trọn năm năm trường không thấy ai hỏi thăm thêm chuyện của mình đặng có nói ra cho nó giải bớt cái lòng sầu não, nay nghe hỏi đến thì tự nhiên cảm động bèn đem hết việc nhà bối rối và việc mình oan ức mà tỏ thiệt cho người ấy nghe, không giấu giếm chi hết. Người ấy nghe rồi lặng thinh rất lâu, dường như trong trí suy nghĩ lung lắm vậy. Cách một hồi người ấy mới nói rằng mình là người Quảng Đông, song sanh đẻ tại Việt Nam, tên là Mạc Tiển, năm nay đã được 50 tuổi. Cách 20 năm trước anh ta ngồi một chiếc thuyền lớn, chở hàng hóa bên Tàu tính đem qua Xiêm mà bán. Đi ngang qua Phú Quốc rủi gặp giông tố nên xả buồm rồi neo thuyền dựa mé hòn mà nghỉ, chẳng dè quan An Nam đi tuần gặp nói thuyền của anh ta là thuyền ăn cướp nên bắt anh ta giải qua An Giang rồi giam cầm trong khám tối từ ấy đến nay. Mấy năm nay anh ta thường tính kế thoát thân, song nhắm coi không có thế nào mà thoát được. Cách một năm trời nay, chiều bữa nọ tên lính đem cơm có cầm theo một con dao phay, đến chừng trở đóng cửa thì lại bỏ quên con dao trong khám. Mạc Tiển hội ý lật đật lấy con dao cắm xuống đất cho lút cán mà giấu. Bữa sau tên lính vô kiếm con dao mà kiếm không có, chắc là tưởng bỏ quên nơi khác nên không thèm kiếm nữa. Mạc Tiển được con dao ấy mới quyết đào hang mà trốn. Đào đất được bao nhiêu thì lấy tay bụm mà đem lên khám rồi tối lén quăng xuống hào ở sau khám đặng lính khỏi nghi. Ban ngày đào đất đem lên, ban đêm lén quăng xuống hào, làm như vậy hơn một năm trường tưởng đã xa rồi nên mới đào trở lên mặt đất, chẳng dè lên được mới hay mình lọt vào khám của Thủ Nghĩa. Hai người bày tỏ tâm sự cùng nhau vừa xong thì đã gần đến bữa cơm chiều. Mạc Tiển đứng dậy từ giã Thủ Nghĩa rồi chun xuống hang mà đi trở về khám mình, trước khi đi hứa mai ăn cơm rồi sẽ chun qua nói chuyện chơi cho giải khuây. Qua ngày mai ăn cơm rồi thiệt quả Mạc Tiển chun qua; hai người trò chuyện một hồi rồi Mạc Tiển dắt Thủ Nghĩa qua khám của mình đặng coi cho biết. Thủ Nghĩa chun xuống hang thì cái hang hẹp lắm, có chỗ thì bò được còn có chỗ nhỏ thì phải nằm mà trườn. Thủ Nghĩa thầm nghĩ Mạc Tiển đào được như vầy thiệt là người bền chí dày công lắm. Khám của Mạc Tiển thì rộng mà sáng hơn khám của Thủ Nghĩa. Yếng sáng đây là nhờ có một cái lỗ chừng bằng hai bàn tay, đứng chỗ lỗ ấy dòm ra ngoài thì thấy dựa bên vách có một cái hào rồi khỏi cái hào ấy thì cỏ cây rậm rạp, cách chừng 40 thước mới có một dãy nhà của lính ở. Mạc Tiển chỉ cái lỗ ấy mà nói rằng mình nhờ đó mới quăng đất xuống hào được. Thủ Nghĩa hỏi vậy chớ tại sao không đào hang ra phía đó lại đào trở lộn vô, thì Mạc Tiển cắt nghĩa rằng mình thấy phía đó có lính ở, sợ đào ra đó chúng hay nên đào vô phía trong, tưởng trổ ra ruộng được nào dè không trổ đi đâu lại trổ qua khám khác. Thủ Nghĩa rủ Mạc Tiển đào nữa thì Mạc Tiển lắc đầu nói rằng mình đã mỏn chí rồi, tính thế nào khác chớ đào hang coi chẳng tiện. Từ ấy về sau, mỗi ngày hai người qua lại mà nói chuyện với nhau hoài. Tuy là nhiều khi nhớ tới thân phận gian nan thì hai người ngó nhau mà khóc, song thiệt cũng nhờ có người hủ hỉ nên bớt buồn. Hễ ăn cơm sớm mai rồi người này không lại thì người kia qua, chừng gần bữa cơm chiều thì về rồi kéo tấm ván bít miệng hang lại, nên lính đem cơm không thấy được. Lân la với nhau được một ít lâu, không còn biết chuyện gì nữa mà nói, Mạc Tiển mới dạy Thủ Nghĩa học nói tiếng Quảng Đông. Ban đầu Thủ Nghĩa không chịu học, nghĩ vì mình là người Việt Nam học tiếng Quảng Đông không có ích gì. Song ở trong khám một ngày một thêm buồn, mà tình bầu bạn một ngày một thêm mặn, lần lần hai người thương yêu nhau chẳng khác nào anh em ruột. Thủ Nghĩa muốn giải bớt lòng buồn mà cũng muốn tỏ tình yêu mến Mạc Tiển nên mới chịu học nói tiếng Quảng Đông. Và Thủ Nghĩa sẵn biết chữ nho giỏi, bởi vậy cho nên cách chừng vài năm thì Thủ Nghĩa nói tiếng Quảng Đông giống như khách. Hai người hễ nói chuyện với nhau thì nói ròng tiếng Quảng Đông. Thủ Nghĩa lấy làm vui, nhưng mà có một đêm nằm nghĩ mình là người Việt Nam nếu mình nói tiếng ngoại quốc hoài như vậy thì e quên hết tiếng nước mình. Mà bây giờ mình muốn nói tiếng Việt Nam thì biết nói với ai? Lính đem cơm có khi nào họ thèm nói chuyện với mình đâu mà mình nói. Thủ Nghĩa nghĩ như vậy nên trong bụng có buồn một chút. Hai người lân la bậu bạn với nhau đã được năm năm, tính ra thì Thủ Nghĩa ở tù đã được mười năm rồi, còn Mạc Tiển thì được 25 năm. Mạc Tiển đã già yếu nên năm ấy thường hay đau hoài. Bữa nọ Mạc Tiển đau nặng mà không thuốc men chi hết, biết trong mình không thể sống nữa được, thấy Thủ Nghĩa chun qua thăm bèn nắm tay Thủ Nghĩa khóc rồi tỏ thiệt rằng: Mình vốn là cháu bốn đời của Mạc Cửu, ông nội và cha khi trước đều nối nhau mà cầm quyền Tổng trấn xứ Hà Tiên. Khi vua Gia Long thâu Phú Xuân tức vị ít năm thì cha mình già yếu nên mất lộc. Lúc ấy anh ta còn bé nên vua Gia Long không cho tập ấm mà kế nghiệp cha, mới sai quan An Nam vô lãnh quyền Tổng trấn Hà Tiên. Mẹ con Mạc Tiển bèn chở hết gia tài sự sản đem về Quảng Đông mà ở với một người cậu của Mạc Tiển, khi còn nhỏ thì Mạc Tiển chuyên học tập văn chương tính để ra ứng thí đặng làm quan, chớ trong nhà giàu có lớn mà người cậu cũng giàu, chẳng cần chi phải lo buôn bán. Mạc Tiển tuy dày công đèn sách song đi thi hai lần đều rớt luôn cả hai. Đến 29 tuổi anh ta thối chí không muốn học thi nữa, mới xin phép mẹ rồi sắm một chiếc thuyền lớn đặng đi mua bán chơi. Mạc Tiển dọn thuyền xong bèn soạn những sách cũ của cha để lại, lựa vài bộ đặng đem theo dưới thuyền mà đọc. Soạn sách ra thấy có bộ đề tựa: “Đào Châu tri phú” thì Mạc Tiển mừng rỡ vô cùng, nghĩ thầm rằng mình bấy nay mình chuyên ôn nhuần kinh sử đặng đi thi nên không thạo việc thượng cổ, nay mình tính đi buôn mà gặp được bộ sách này thì may biết chừng nào. Mạc Tiển liền gói bộ sách ấy rồi từ giã mẹ và cậu xuống thuyền, kéo neo tính thẳng qua Nam Việt. Thuyền linh đinh giữa biển, nước xanh lét in trời, Mạc Tiển buồn mới giở bộ sách ấy ra xem. Đọc qua quyển thứ hai đến tờ thứ năm thấy trong ấy có giấu một phong thơ xếp sát lắm nên phải giở tờ sách mới gặp được. Mạc Tiển chẳng hiểu là thơ của ai, bèn ngồi dậy rồi mở ra coi thì là thơ của cha mình viết, trong thơ nói rằng lúc bình sanh bị giặc Xiêm hay nhiễu loạn nên bạc vàng châu báu không dám để tại Hà Tiên, mới chở qua hòn Kim Qui là một hòn nhỏ ở hướng Nam hòn Phú Quốc mà giấu. Bề trái lại có vẽ một tấm địa đồ chỉ chỗ hòn đó nữa. Mạc Tiển thấy thơ nói như vậy thì suy nghĩ hoài không hiểu vì cớ nào mà bấy lâu nay không nghe mẹ mình nói chuyện ấy, không biết cha mình giấu mà đã lấy rồi hay chưa, hay là khi chết quên trối lại cho mẹ mình biết. Mạc Tiển nằm nghĩ cả đêm, mà cũng chưa ắt là chơn giả; tuy vậy mà anh ta nghĩ bây giờ mình qua Nam Việt, chi bằng mình nhơn dịp này mà ghé hòn Kim Qui tìm thử coi có y như thơ của cha nói đó hay không. Mạc Tiển vừa tới Phú Quốc thì quan An Nam xét rồi nghi mình là môn đệ của Mạc Cửu muốn qua mà thâu đoạt xứ Hà Tiên, nên bắt bỏ tù từ ấy đến nay, đã chưa đến được hòn Kim Qui, mà cũng không hiểu mẹ già còn mất. Mạc Tiển nói đến đó thì giọt lụy tràn trề. Thủ Nghĩa thấy vậy động lòng nên kiếm lời ngọt ngon mà an ủi. Mạc Tiển khóc một hồi rồi xin lỗi Thủ Nghĩa về sự anh em bấy lâu nay không tỏ thiệt với nhau, lại xin Thủ Nghĩa như may mà ra khỏi chốn lao tù thì hãy kiếm thế ra hòn Kim Qui đặng tìm vàng bạc đó mà dùng. Mạc Tiển nói rằng lúc bị bắt mình sợ lậu việc nên đã xé cái thơ của cha, song dầu thơ mất cũng chẳng hại chi, bởi vì ra Phú Quốc rồi nhắm hướng Nam đi thì sẽ gặp cái hòn đó. Mạc Tiển xin có một điều này là như Thủ Nghĩa lấy được vàng bạc rồi thì làm ơn kiếm thuyền quá giang mà qua tỉnh thành Quảng Đông rồi hỏi thăm đến nhà thuật giùm các việc cực khổ của anh ta cho mẹ và cậu anh ta hay mà thôi. Thủ Nghĩa thấy Mạc Tiển đau nặng thì thương, song nghĩ mình không có thế nào thoát thân được nên không để ý đến lời trối của Mạc Tiển cho lắm. Thủ Nghĩa trở về khám rồi tối chun qua thăm Mạc Tiển nữa, thì thấy Mạc Tiển đã tắt hơi rồi. Thủ Nghĩa lấy làm đau đớn trong lòng nên ngồi khóc cho đến sáng mới chun về.