[Việt Nam] Nam Cực Tinh Huy

Chương 25 : Tính chiêu-an Dương-thị lập đông-cung, Ham lợi lộc Mã-Chiêu làm thích khách.


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước sau →

Bình-vương thấy dẹp an Lữ-Đường thì trong bụng mừng thầm, chẳng dè ít ngày sau khi nghe Bạch-Hổ tự xưng Sứ-quân, rồi lần lần mấy trấn khác cũng bắt chước mà xưng Sứ-quân hết thảy, thì hết sức lo sợ, nên sai hộ-vệ quân đòi Đỗ-cảnh-Thạc vào cung mà thương nghị. Đỗ-cảnh-Thạc thung dung quì mà tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, ngoài chư trấn có Phạm-bạch-Hổ là anh hùng hào kiệt, Bệ-hạ giáng chỉ Bạch-Hổ không nghịch mạng, mà chừng Lữ-Đường dấy binh, Bạch-Hổ điềm nhiên tọa thị, rồi mấy trấn khác cũng không ai ứng tiếp, thế thì các ngoại thần chỉ trông cậy có một mình Bạch-Hổ, nếu Bạch-Hổ động binh thì các chư trấn đều theo, còn nếu bạch-Hổ thuận tùng thì chư trấn qui-phục. Nay các trấn tự xưng Sứ-quân. Nếu Bệ-hạ muốn cho thiên hạ thái bình, giang sang bền vững, thì nên định kế làm cho Bạch-Hổ qui hàng; hễ Bạch-Hổ lễ cống xưng thần thì các trấn khác không cần khuyên tự nhiên họ cũng thọ mạng ta”. Bình-vương khen lời tâu hửu-lý, liền hạ chỉ dạy Ngự-sữ Từ-thọ-Lâm xuống Đằng-châu mà khuyến dụ Bạch-Hổ, và dặn phải nói cho Bạch-Hổ biết hễ khứng thuận tùng thì sẻ đặng gia ban quyền tước. Từ-thọ-Lâm vưng lịnh xuống Đằng-châu xin vào ra mắt. Bạch-Hổ không chịu tiếp rước. Từ-thọ-Lâm cùng thế không biết liệu lẽ nào mà gặp mặt Bạch-Hổ được, bèn nói dối với quân rằng mình đi việc tư, chớ không phải việc công, và dạy quân vào tỏ lại cho Bạch-Hổ biết. Bạch-Hổ tưởng thiệt, nên dạy quân cho vào, Từ-thọ-Lâm vào bái kiến cứ khen ngợi tài đức của Bach-Hổ và nói rằng xưa nay mình đã có lòng kính trọng, nhưng không có dịp mà đến bái kiến được. Từ-thọ-Lâm có ý muốn dùng lời dua nịnh mà làm cho đẹp dạ Bạch-Hổ lần lần rồi sẽ dùng mưu khuyến dụ. Bạch-Hổ ngồi nghe, miệng chúm chím cười hoài, không tỏ ý nghi ngờ chi hết. Thọ-Lâm thấy vậy tưởng Bạch-Hổ đã yêu mình, nên mới mở hơi muốn khuyến dụ về hàng Bình-vương. Ban đầu Bạch-Hổ cứ gặt đầu để cho anh ta nói: anh ta tưởng dễ nên cứ nói tới, khen Bình-vương minh-quân, chê chư trấn thấp trí. Đến chừng anh ta xin Bạch-Hổ bỏ hờn bỏ giận lễ cống xưng thần, thì Bạch-Hổ nổi giận vổ án kêu quân bắt Từ-thọ-Lâm đem ra trước dinh, căn đánh hai chục trượng rồi đuổi về mà nói rằng: “Ta muốn giết phứt tên gian thần như ngươi vậy đặng làm gương cho dân trong nước. Nhưng giết ngươi ta sợ dơ lưỡi gươm của ta nên ta đánh đòn mà thôi. Vậy ngươi về nói lại với thằng Tam-ca rằng ta đánh đó là đánh gởi cho nó 10 trượng còn 10 trượng kia thì ta gởi cho hai Hoàng-tử, bởi vì mình là con vua, chúng đã soán ngôi mà không biết giận lại theo dua bợ, thì ta đánh đòn nghĩ cũng chẳng oan gì”. Từ-thọ-Lâm bị đòn đau đớn hết sức, song cũng gượng gạo trở về kinh mà phục mạng. Bình-vương nghe Bạch-Hổ đánh sứ nhục triều đình thi nổi giận tính hưng binh tru diệt. Đỗ-cảnh-Thạc gián vua rằng: “Buổi nầy dân tâm chưa qui phục, nên cử binh đánh Bạch-Hổ, sợ e chư trấn ứng tiếp rồi gây ra họa lớn. Vậy xin Bệ-hạ giả lập Xương-Văn lên làm Thái-tử đặng thâu phục dân tâm, rồi sau sẽ lo mưu mà trừ Bạch-Hổ”. Bình-vương nghe lời bèn lập Xương-Văn lên ngôi Thái-tử, song cũng cấm nhặc không cho đi ra khỏi thành. Xương-Văn nhớ mẹ thương anh, biết mẹ ở trên chùa mà không thể đến viếng thăm được, còn anh thì không nghe dật-lạc phương nào, bởi vậy ngày đêm ăn chẳng biết ngon, ngủ không an giấc. Bữa nọ vừa nghe Bình-vương đã phong cho mình chức Thái-tử thì biến sắc, nghĩ rằng nếu mình nhận chức ấy té ra mình có ý muốn giành ngôi với anh, mà bây giờ mình không nhận cũng không được, nên quyết trốn đi tìm anh rồi anh em sẽ chung trí hiệp lực mà lo mưu khôi phục cơ đồ cũa cha lại. Giang-hoài-Nhơn theo sau can gián, khuyên phải nhịn nhục mà chờ cơ hội, chớ không nên nóng nảy. Xương-Văn tuy nghe lời, song khóc hoài nên hai con mắt sưng hiếp mí. Còn Bình-vương bị Bạch-Hổ nhục mạ, thì trong lòng oán hận, không thể nào ngui được, bởi vậy ngày đêm hằng lo mưu tính kế, quyết trừ cho được Bạch-Hổ mới yên tâm. Có một buổi chiều Bình-vương thấy trời trong gió mát bèn ngự ra hoa viên mà ngoạn cảnh, có vài mươi thị vệ theo hầu. Vua xem hoa một hồi rồi ngó quân thị-vệ mà hỏi rằng: “Chúng bây theo hầu trẩm, vậy chớ chúng bây thiệt tận tâm mà trung với trẩm hay không?”. Các thị vệ đều tâu rằng mình trung với vua, ví dầu sông lở núi mòn mà lòng trung của mình không thể phai được. Bình-vương cười rồi nói tiếp rằng: “Hôm nay trẩm muốn giết một người chơi cho vui, chúng bây tâu rằng chúng bây trung với trẩm, vậy đứa nào ra quì đây một đứa, đặng trẩm chém chơi mà giải buồn”. Mấy mươi quân thị-vệ nghe vua phán như vậy thì mặt biến sắc, mắt nhìn nhau, không ai dám ra chịu chết hết, duy có một người tuổi chừng lối 40, thung dung bước tới quì trước mặt vua mà tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ kẻ hạ thần vưng lịnh”. Bình-vương thấy người tướng mạo đường đường, oai phuông lẫm-lẫm, hỏi ra mới biết tên là Mã-Chiêu. Vua khen tánh khẳng khái, cảm ý trung nghĩa, bèn ban cho 10 lượng bạc và 5 cây lụa rồi dạy đứng dậy. Vua ngó mấy tên quân thị-vệ khác mà phán rằng: “Các ngươi giả dối, chớ không có lòng trung với trẩm. Vậy các ngươi phải bắt chước Mã-Chiêu thì hoặc may mới làm quân thị-vệ được”. Quân thị-vệ liền quì xuống mà thọ tội. Vua cười rồi tha hết và truyền lịnh phản giá hồi cung. Sáng bữa sau vua đòi Mã-Chiêu vào cung mà phán rằng: “Hôm qua trẩm đã biết lòng trung nghĩa của ngươi rồi. Vậy ngươi hãy ráng mà phò tá trẩm, thì trẩm sẽ còn ban ơn thêm nhiều nữa”. Loài người vì hai chữ danh lợi mà tan xương nát thịt. Mã-Chiêu đã được tiếng ngợi khen, và được bạc ngự tứ hôm qua, thì vui lòng phỉ chí, cảm đức mến ân nên trót đêm mừng ngủ không được. Nay nghe vua phán như vậy nữa, trong lòng càng khấp khởi, lúc ấy chẳng những là vua biểu chết thì lật đật chết liền cho vua coi, mà nếu vua dạy về giết hết cha mẹ vợ con, có lẽ anh ta cũng không từ chối, bởi vì vua vừa dứt lời thì anh ta quì mà tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần phò Bệ-hạ, ví dầu tan xương nát thịt kẻ hạ thần cũng chẳng nao lòng ; miễn là Bệ-hạ được yên ổn nơi cửu trùng, thân nầy nguyện dù vạn-tử cũng không chối”. Bình-vương nghe tâu lấy làm đẹp dạ, nên ngó Mã-Chiêu một hồi lâu rồi mới phán rằng: “Trẩm làm vua, phú hữu tứ hải nhưng vì trẩm có một việc riêng làm cho trẩm ăn ngủ không được. Ngươi tâu rằng ngươi phò tá trẩm dầu vạn-tử ngươi cũng chẳng từ. Trẩm muốn cậy người lo giải sầu cho trẩm chẳng biết ngươi có sẵn lòng chăng ?”. Mã-Chiêu tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, nếu thân hèn nầy mà có thể giải sầu cho Bệ-hạ được, thì xin Bệ-hạ ngự phán, hạ thần sẽ thi hành liền.” Bình-vương gặc đầu phán rằng: “Số là trong chư trấn, có Phạm-bạch-Hổ cứ Đằng-châu là người vô quản vô phụ, ghe phen đã nghịch mạng trẩm. Trẩm muốn dấy binh tru diệt, ngặt vì quần-thần khiếp nhược, không ai dám lãnh cầm binh đối địch với Bạch-Hổ, nên cứ theo can gián hoài. Nay trẩm muốn chọn một dõng-sĩ đặng sai đến Đằng-châu thích-tử Bạch-Hổ mà rửa hờn cho trẩm, vậy chớ ngươi có biết trong hàng quân-sĩ có ai nghĩa đởm dám làm thích khách đến giết Bạch-Hổ hay chăng?” Mã-Chiêu tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ; tuy thần có nghe Bạch-Hổ tài lực phi phàm, nhưng mà hạ thần nguyện làm thích khách đến Đằng-châu giết tên Bạch-Hổ mà rửa hờn cho thánh-thượng.” Bình-vương nghe Mã-Chiêu tâu khẳng khái thì càng mừng, nên nhậm lời cho Mã-Chiêu đi, song có dặn riêng rằng: “Ngươi đi thì phải cẩn thận cho lắm, chớ nhập luông-đàm hổ-huyệt chẳng phải là dễ đâu. Nếu ngươi được thành công thì trẩm sẽ trọng thưởng. Nói cùng mà nghe, ví như rủi ngươi thích Bạch-Hổ không được, mà lại bị bắt, thì dầu chết ngươi cũng đừng khai, còn như có khai thi khai cho Xương-Cấp sai ngươi, chớ đừng có khai cho trẩm.” Mã-Chiêu lạy tạ trở ra sửa soạn mà đi Đằng-châu. Ngồi trên ngôi quốc-vương, tướng phò đứng chật triều, binh giúp đóng đầy trại ; một vị Tổng-trấn nghịch mạng không dám cử binh chinh phạt, bao nhiêu đó cũng đủ thấy tánh yếu đuối rồi. Nay lại lén triều-đình sai người làm thích khách đặng ám sát, cử chỉ ấy lấy làm khiếp nhược, ai đọc truyện tới đây cũng không nín cười cho đặng, duy có một chú Mã-Chiêu, là người khẳng khái mà ưa thù phụng, được gần ngai vàng dầu muôn thác cũng chẳng nài, nghe hai tiếng “trọng thưởng” thì quên hết những nghĩa nhơn liêm-sĩ, nên được lịnh rồi thì giấu vợ giấu con, lén cấp gươm lước dặm xuống Đằng-châu, trong trí cứ tưởng tượng hễ thành công rồi thì phú qúy vinh hoa, chớ không nghĩ nghị hễ thích chẳng đặng thì tan xương nát thịt. Đi gần đến Đằng-châu, Mã-Chiêu sợ dấy lậu cơ mưu rồi khó mà làm thích-khách được, nên thay hình đổi dạng, giả làm một thầy đạo-sĩ đi phú-quyến tứ-phương. Đến Đằng-châu Mã-Chiêu ghé quán an nghỉ, tính ở ít ngày dọ coi đường ra ngõ vào khó dễ thể nào. Bạch-Hổ hay ngồi đứng ở đâu, hay chơi bời với ai, quân lính canh gác chỗ nào, vách thành phía nào cao phía nào thấp. Mã-Chiêu dọ đến năm sáu bữa, thấy vách thành phía bên hữu đã thấp mà lại cây che rậm-rợp, nên có thể leo vào mà núp được. Anh ta lại nghe mỗi đêm Bạch-Hổ thường ngồi trước sân mà uống rượu một mình cho đến khuya rồi mới chịu vào dinh mà nghỉ. Anh ta mới tính leo vào vách núp dưới bóng cây, chờ khi Bạch-Hổ ơ-hờ nhảy ra mà đâm, làm như vậy dầu Bạch-Hổ có tài cao đến chừng nào cũng không dè mà đỡ được. Ngày mùng 6 mặt trời lặn chưa được bao lâu, thì đã thấy phía trời tây chị nguyệt vẽ mày xem sáng hoắc. Mã-Chiêu trong mặc áo quần gọn ghẽ, đeo gươm vào lưng rồi ngoài mới choàng cái áo đạo-sĩ, thung rộng tay dài, mà đi. Anh ta huởn bước đi vờn ngoài thành, như người buồn đi chơi cho tiêu-khiển. Đi gần hết canh một, trăng lặn mất, trời tối lờ mờ, mấy nhà ở chung quanh thành đều gài cửa ngủ hết, tư bề im lìm, duy lâu lâu nghe tiếng trống canh trong thành đánh thùng thùng với tiếng vạt bay đi kiếm ăn kêu hoáp hoáp mà thôi. Mã-Chiêu lén lại gần vách thành phía bên hữu, cởi áo đạo-sĩ ra mà bỏ dưới đất, co giò nhảy qua mương rồi hai tay vịn nhánh cây mà trèo vào thành. Vả Mã-Chiêu mạnh mẽ mà lại lẹ làng nên leo vào thành không mệt nhọc chi hết. Khi lọt vào trong được rồi, anh ta rút gươm ra cầm tay, và núp dưới bóng cây lén đi lần lần lại trước dinh Tổng-trấn. Anh ta gặp một bụi bông bụp, tính núp trong ấy rồi ló đầu ra mà dò cho dễ. Anh ta vừa mới dòm, bỗng nghe phía trước mặt, cách chừng 15 bước có tiếng người nói chuyện. Anh ta sợ mà lại mừng, sợ là sợ người ta thấy trước rồi mình hết mong thành công, còn mừng là mừng gặp được Bạch-Hổ, khỏi vào dinh tìm kiếm. Mã-Chiêu ngồi rình một hồi lâu bỗng nghe chỗ nói chuyện đó có tiếng nói lớn rằng: “Sáng mai tướng-quân đi cho sớm phải đi cho giáp hết mấy chỗ đồn điền đừng bỏ sót chỗ nào, và phải dặn quân sĩ lo cụ-bị khí giới cho sẵn-sàng đặng ngăn ngừa giặc giã”. Mã-Chiêu lén dòm coi thì thấy một người miệng nói “Vâng” rồi chậm chậm đi ra phía trước cửa thành, còn một người đương đứng chống nạnh mà ngó theo người kia. Mã-Chiêu định chắc người đứng chống nạnh đó là Phạm-bạch-Hổ, nên mắt chăm chỉ ngó, còn trí thì tính đợi lúc ơ hờ đặng có nhảy ra mà đâm. Người đó quả thiệt là Bạch-Hổ còn người đi ra cửa ấy là Lương-chánh-Tôn. Bạch-Hổ dặn Chánh-Tôn rồi đứng ngó mông. Canh đã khuya nên cây cỏ im lìm, trời tuy tối mà sao giăng vằn vặt. Trong dinh thấy ngọn đèn chong leo-lét, lính hầu lấp ló chực lịnh sai, ngoài chợ nghe tiếng chó sủa om sòm, hành khách bôn ba còn rảo bước. Bạch-Hổ đứng ngó mông một hồi rồi xây lưng trở vào dinh, đi chậm rãi thung dung, coi bộ chẳng có điều chi ái ngại. Mã-Chiêu nhắm cơ hội ấy là cơ hội phải hạ-thủ, nếu trì huỡn để Bạch-Hổ vào dinh rồi thì khó thích được nên ở trong bụi bông bụp lén bước nhẹ nhẹ mà đi ra, rồi chạy theo giơ gươm lên tính đâm Bạch-Hổ. Bạch-Hổ đương đi, không dè chi hết, thình lình nghe sau lưng có tiếng động đất, vùng ngó ngoái lại thì thấy Mã-Chiêu đương giơ cây gươm lên muốn chém mình. Bạch-Hổ tràng qua một bên, tay mặt đỡ tay Mã-Chiêu một cái mạnh quá nên cây gươm văng ra xa, còn chân thì đá Mã-Chiêu té nhào nằm sải tay trên mặt đất. Bạch-Hổ nhảy theo nắm đầu, rồi hô lên một tiếng, lính hầu trong dinh áp chạy ra bắt Mã-Chiêu trói lại để ngồi trước dinh. Bạch-Hổ tỉnh táo như thường, bị người ám sát mà không nao-núng, dạy quân vào dinh bưng ra một cái đèn đặng rọi mặt coi người thích khách là ai. Quân vưng lời vào dinh bưng đèn ra, Bạch-Hổ rọi mặt thì lạ hoắc, thuở nay chưa gặp người nầy lần nào. Bạch-Hổ nổi giận bèn hét lớn mà hỏi rằng: “Đồ súc sanh vậy chớ ta có thù oán chi với mi, mà mi toan ám hại ta ?” Mã-Chiêu ngồi lặng thinh, không thèm trả lời, mà bộ không sợ sệt chi hết. Bạch-Hổ lại càng giận thêm, nên nạt rằng: “Nếu mi không chịu nói ra thì mi phải chết. Vậy ai mướn mi hại ta đây mi phải tỏ thiệt cho ta nghe, nói đi nói cho mau.” Mã-Chiêu cũng cứ ngồi lặng thinh hoài. Bạch-Hổ dạy quân dẫn Mã-Chiêu đem giam dưới ngục, đợi sáng mai rồi sẽ tra vấn. Quân dẫn Mã-Chiêu đi rồi, Bạch-Hổ liền cho đòi Trần-Hỉ, là đội coi ngục, mà dặn phải dỗ Mã-Chiêu đặng hỏi coi ai bày mưu xuối nó đi làm thích khách như vậy. Trần-Hỉ vưng lời nên không cho lính đánh khảo, đợi gần đến canh ba quân lính ngủ hết, mới vào ngục làm quen, mở trói rồi hỏi thăm coi Mã-Chiêu là người ở đâu. Mã-Chiêu thấy Trần-Hỉ tử tế, không dè anh ta có ý riêng, nên cứ nói thiệt mình là lính thị-vệ tại triều. Trần-Hỉ hỏi phăn tới coi vì ý nào mà toan ám hại Phạm sứ-quân, và tại ai bày mưu ác nghiệt như thế. Mã-Chiêu nghe hỏi tới đó liền nhớ lời của Bình-vương căn dặn nên dụ dự không muốn nói. Trần-Hỉ theo hỏi riết túng thế Mã-Chiêu mới nói rằng: Thái-tử Xương-Cấp sai mình xuống Đằng-châu mà ám sát Bạch-Hổ. Trần-Hỉ biết được cơ mưu thì trong trí mừng thầm, nên trở ra ngoài mà ngủ, không thèm hỏi nữa mà cũng quên trói Mã-Chiêu lại. Mã-Chiêu nằm trong ngục lo sợ, không biết tánh mạng mình ra thể nào, nên thao thức hoài không ngủ được. Anh ta nghĩ rằng mình tính giết người mà giết không đặng, lại bị người bắt chắc là người sẽ giết mình. Mình lãnh mạng đi làm thích-khách, mấy ngày rày mình kể chắc thành công, nên cứ tưởng tượng cuộc vinh hiển mà thôi, không dè đến nỗi bị bắt như vầy. Cha chả, nếu ngày mai mà Bạch-Hổ chém mình, thì biết cậy ai về kinh báo tin cho vợ con mình hay. Khi mình ra đi mình giấu vợ giấu con. Nếu mình không về được, thì vợ con trông đợi hoài, chẳng là tội nghiệp lắm. Mã-Chiêu nghĩ đến vợ con thì động lòng rưng rưng nước mắt. Anh ta ngồi khoanh tay mà thở dài, bộ coi thảm thiết lắm. Cách một hồi lâu nghe tiếng trống trở canh năm. Mã-Chiêu sợ trời sáng thì ắt bị chết chém, nên vùng đứng dậy ngó dáo-dác quyết ý phải thừa lúc ban đêm mà trốn trước. Anh ta lấy tay xô cửa thì cánh cửa mở bét, vì Trần-Hỉ lúc đi ra cũng quên đóng cửa. Mã-Chiêu lén bước ra ngoài thấy quân lính giữ ngục đều ngủ hết, liền bò theo bóng cây, lần tới chỗ vách thành mình vào hồi hôm rồi thoát ra ngoài, cong lưng mà chạy. Anh ta không dám trở về quán, sợ quân lính rượt theo nên cũng không dám đi theo đường cái cứ băng trong rừng tìm đường nhỏ mà về kinh. Sáng bữa sau, Trần-Hỉ vào trong ngục không thấy Mã-Chiêu, chạy đi kiếm khắp trong ngoài cũng không thấy tâm dạng, thì hồn phi phách lạt, nên bó tay vào dinh mà chịu tội. Bạch-Hổ thăng đường nghe báo Mã-Chiêu đã trốn mất thì nổi giận, nên truyền lịnh dẫn Trần-Hỉ ra ngoài mà chém. Quân vừa dẫn Trần-Hỉ đi được ít bước, Bạch-Hổ liền kêu lại mà hỏi rằng: “Ta giao đứa ám-sát ta cho mi giữ mà mi thả nó thì tội mi chết chém đã đành rồi, còn ta dặn mi hỏi dọ coi nó là người ở đâu, ai sai nó đi làm thích khách, vậy chớ mi có vưng lời ta hay không ?” Trần-Hỉ sợ chết, mặt mà tái xanh, tay chơn run rẩy, bởi vậy đứng lập cập một hồi lâu rồi mới thưa rằng: mình hỏi dọ thì phạm nhơn xưng tên là Mã-Chiêu, vốn ở lính thị-vệ tại triều, vì Thái-tử Xương-Cấp sai nên mới đi làm thích khách. Bạch-Hổ vừa nghe nói Xương-Cấp sai nó đi làm thích khách thì lửa giận phừng lên, nên vỗ ghế nói rằng: “Té ra Xương-Cấp nó đã theo phò quân phản nghịch rồi còn toan sát hại ta nữa há! Nếu nó muốn như vậy thì sau nó đừng trách ta. Thôi, bọn nó đã theo một phồn với nhau ta chẳng còn vị-tình vị-nghĩa chi nữa”. Bạch-Hổ nói dứt lời liền đứng dậy bỏ đi ra hậu đường, quân hầu không biết tội Trần-Hỉ người định tha giết lẽ nào nên đứng đó mà chờ hoài. Đến trưa Bạch-Hổ trở ra tiền đường thấy Trần-Hỉ và quân hãy còn đứng mà chờ lịnh, thì nhớ lại nên dạy đem Trần-Hỉ ra đánh 20 trượng mà thôi chớ không xử trảm. Trần-Hỉ tuy khỏi chết thì mừng, song bị đòn đau đớn quá, nên oán Mã-Chiêu vô cùng.