[Việt Nam] Ý Và Tình
Trót mấy tháng trường, bốn bạn Mai, Lan, Cúc, Trúc, hễ chúa nhựt thì hội nhau lại nhà cậu Xuân mà nghị luận, hoặc về nhân tình thế thái, hoặc về văn chương, rồi khi thì ở ăn cơm với nhau, khi rủ nhau đi chơi, hoặc lên miền Lái Thiêu, hoặc vô trong Chợ Lớn. Đối với cô Quế thì Xuân, Quan và Triều đều giữ mực cung kính, bởi vậy cô Quế không ái ngại, không sụt sè chi hết, cô trọng ba cậu cũng như anh ruột của cô. Vì gần gũi nhau như vậy nên tình bằng hữu ngày càng càng thêm mặn nồng, và tuy cãi lẽ với nhau, song mỗi người đều giữ vững cái chủ hướng của mình, không ai chịu vì ai mà thay đổi tâm chí.
Gần tới ngày thi Tú tài kỳ nhì, Triều, Xuân và Quan lo học đêm học ngày, hễ chúa nhựt chẳng nói chuyện chi khác là sách vở. Cô Quế sợ mấy anh vì cô mà lo ra rồi lơ đãng sự học, bởi vậy cô xin mấy anh cho phép chúa nhựt khỏi hội nữa, đợi chừng nào thi xong rồi sẽ tái hiệp mà đàm luận việc đời. Mấy cậu cũng nhứt định đình cuộc hội hiệp.
Một bữa chúa nhựt, Xuân đương ngồi học ôn những bài về triết lý, thình lình Quan bước vô, sắc mặt buồn hiu. Xuân chỉ ghế mời bạn ngồi và hỏi:
- Toa đã nhứt định ở luôn trong trường mà học, mà sao toa còn ra đây?
- Mấy tuần nay ở luôn trong trường, trí vừa mệt lại thấy buồn hiu, vì vậy moa đi giải trí một chút. Toa học triết lý phải không?
- Phải.
- Quan châu mày, ngó cùng trong nhà rồi hỏi:
- Em Quế bữa nay không lại chơi hay sao?
- Không. Mình đã nhứt định đình cuộc hội hiệp, nên mấy tuần nay em Quế không có lại chơi nữa.
- À, phải. Moa mệt mà ra đây thấy toa ngồi học moa càng thêm mệt.
Quan dứt lời liền đứng dậy đi qua đi lại. Cách một hồi lâu cậu hỏi Xuân:
- Toa mệt hay không?
- Không. Toa hỏi chi vậy?
- Tưởng toa học mệt thì anh em thả đi chơi một chút mà giải trí.
- Đi đâu?
- Đi đâu cũng được, thả đi bậy ngoài chợ, hay là đi thăm em Quế chơi.
- Toa muốn thăm em Quế à?
- Ừ! Thăm chơi một chút.
- Mỗi ngày em đi ngang cửa nhà moa, nên moa thấy em luôn luôn, có cần gì phải thăm em, nếu toa muốn đi thì moa đi dùm cho.
- Không… Không phải moa muốn.
Quan chấp tay sau lưng, đi qua đi lại nữa. Chẳng hiểu cậu nghĩ thế nào mà thình lình cậu nói: ”Ừ! Buồn quá. Thay đồ đặng lại thăm em Quế chơi toa ”.
Muốn làm vui lòng bạn, Xuân xếp sách đi thay y phục.
Cô Quế đương ngồi chăm chỉ thêu tại hàng ba. Cô mặc áo bà ba lụa trắng, quần lãnh đen, không trang điểm chi hết, nhưng mà gương mặt sáng rỡ như trăng rằm, miệng đẹp đẽ như đóa hoa hường mới nở, cặp mắt thanh bạch biểu lộ lòng vô tư lự.
Xuân với Quan tới ngang cửa bèn đứng ngoài cửa mà ngó vô. Có lẽ hai cặp mắt chong ngó có điện lực mạnh mẽ lắm hay sao, mà cô đương chăm chỉ trông bàn thêu thình lình cô lại ngước mắt lên ngó ra đường. Thấy Xuân và Quan thì sự vui vẻ liền phát hiện ra mặt mày cô, làm cho diện mạo cô tươi tắn lại càng tăng thêm vẻ đẹp. Cô buông bàn thêu, vội vã đứng dậy, vừa cười vừa hỏi lớn: “Hai anh đi đâu đó? Kiếm thăm em phải không? Em xin mời hai anh vô chơi một chút”.
Xuân với Quan đi vô, Xuân đi trước chăm hẩm bước lên thềm, còn Quan theo sau trong lòng ngần ngại nên bước không được mạnh mẽ.
Cô Quế vui vẻ nói:
- Hai anh lại thăm em, thiệt em mừng lắm. Em mời hai anh vô nhà.
Xuân ngó vô nhà mà hỏi:
- Có dì Hai ở nhà hay không?
- Thưa, có. Dì em ở nhà sau. Mời hai anh vô chơi, rồi một chút dì em sẽ ra. Anh Quan định ở luôn trong trường mà học cho đến ngày thi, sao anh ra?
Quan đương cầm cái bàn thêu đưa lên mà coi, mắt chăm chỉ ngó tấm thêu, chừng cô Quế hỏi như vậy thì cậu bối rối đáp:
- Tôi định ở luôn trong truờng song hôm nay học mệt quá, nên đi ra chơi một chút.
Xuân nói:
- Tôi đương học, Quan ra rồi biểu tôi thay đồ đặng lại thăm em, nên hai đứa tôi mới lại đây.
Cô Quế ngó Quan vừa cười vừa nói:
- Té ra nhờ anh Quan chủ mưu, nên mới có cuộc gặp gỡ nầy. Em rất cám ơn anh Quan.
Quan bối rối, không đáp theo ý cô Quế, mắt cứ ngó tấm thêu mà hỏi:
- Em thêu hình chi đây?
- Em mới bắt đầu thêu từ hồi sáng nay nên chưa ra hình chi hết. Để chừng em thêu xong rồi hãy cho mấy anh xem. Có lẽ chừng ba anh thi đậu thì em thêu cũng rồi.
- Mà em tính thêu cảnh chi đây chớ? Em nói trước nghe chơi.
Cô Quế bước lại đứng khít một bên Quan rồi chỉ vô tấm thêu mà nói:
- Em tính dấu mấy anh mà dấu không được. Em ngụ ý muốn thêu một cây thông già, trên ngọn có một cặp chim phượng hoàng đậu mà ngó mông ra một khoảng trời rộng minh mông, trông mút mắt. Đồng không bằng phẳng, chỗ cao chỗ thấp, mà chỗ nào cũng cỏ non đua mọc, phơi màu xanh mướt như gấm như nhung. Ở xa thì có một dãy núi lúp xúp, song thấy dàng dạng mà thôi, chớ không tỏ rõ.
- Em bắt đầu thêu cây thông đây phải hôn?
- Thưa, phải. Em thêu cây thông ở gốc nầy, để dư chỗ cho nhiều đặng thêu khoảng đồng với dãy núi.
- Dãy núi nằm chỗ nào?
- Phía trên đây.
- Cái cảnh em nói đó thiệt là cảnh chứa chan thi vị. Cha chả, mà thêu ra cảnh đó có lẽ hơi khó, chớ không dễ đâu. Nếu mình vẽ thì mình liệu mà cho màu, có lẽ được, chớ thêu mà làm cho ra cỏ non, cho ra dãy núi thấy mờ mờ đàng xa, cho ra màu da trời, thiệt là khó. Phải có cái tâm hồn mỹ thuật đầy đủ thì thêu mới được.
- Vẽ hay thêu cũng vậy, nếu không có tâm hồn mỹ thuật thì làm sao cho ra cảnh vật được. Tấm tranh em tính thêu đây thiệt là khó, nhưng em ráng để hết tâm hồn trí ý của em vô đặng thêu thử coi được hay không?
Xuân gật đầu hỏi Quế:
- Tấm tranh nầy em thêu đặng bán hay là thêu để chơi?
- Trong một tuần lễ, em phải làm việc cho người ta đến 6 ngày, để lấy tiền mà nuôi sự sống, còn có một ngày chúa nhựt em rảnh rang, em phải để dành ngày ấy em chơi, em có thèm tính làm đặng bán lấy tiền thêm đâu.
- Em tưởng tượng cảnh để thêu như vậy đó, có lẽ em còn ẩn ý gì chớ chẳng không. Tôi muốn biết chỗ đó.
Cô Quế ngó ngay Xuân mà chậm rãi đáp:
- Anh muốn hiểu chỗ đó thì em nói cho anh nghe. Mấy tháng nay em được ba anh hạ cố, cho em làm bằng hữu rồi đàm luận việc đời với nhau, mấy anh làm cho em suy nghĩ đến những việc mà thuở nay em không để ý. Mấy anh vạch tấm màn thế sự ra cho em dòm thấy bọn thanh niên hiện thời, dù trai gái cũng vậy, người nào cũng xem đường đời cùa mình chớn chở hy vọng, song nó minh mông lại lờ mờ quá, không biết phải theo hướng nào mà đi cho tới cảnh hạnh phúc. Tại em thấy như vậy nên em hội ý, muốn thêu bức tranh nầy để ghi tạc tâm hồn thanh niên trong lúc nầy chơi.
Quan gật đầu khen:
- Em đã sẵn tâm hồn mỹ thuật, em còn có thêm tâm hồn thi sĩ nữa, hai tâm hồn ấy lại hướng về xã hội, gái như em mới đáng lãnh chức “gái tiền tiến”.
Cô Quế lật đật xua tay và nói vội:
- Anh đừng quá khen em. Anh khen như vậy, một là em tự thẹn rồi không dám làm, hai là tự đắc rồi em không ráng sức, thua sút người ta còn gì.
Quan chưa kịp trả lởi, kế thấy dì Hai Oanh từ nhà sau đi ra. Cô Quế nói:
- Dì của em kia. Mời hai anh vô chơi.
Xuân với Quan cúi đầu chào dì Hai Oanh. Dì Hai Oanh biết Xuân, nên vui vẻ nói:
- Tôi chào hai cậu. Con dại quá, sao con không mời hai cậu vô nhà, để đứng ngoài hàng ba mà nói chuyện? Tôi mời hai cậu vô nhà chơi.
Xuân với Quan vô nhà. Cô Quế nhắc ghế mời khách ngồi rồi lo rót nước trà đãi khách.
Xuân và Quan ngó trong nhà thì thấy gần cửa có để một cái máy may lau chùi sáng ngời, dựa vách buồng có để một cái tủ kiếng nhỏ, trong tủ có để hàng lụa nhiều màu, lại có mấy gói vuông đẹp đẽ. Trên bộ ván gõ, chỗ dì Hai ngồi thì có treo hai khúc tầm vông láng lẫy, mỗi khúc có áo vắt lòng thòng.
Dì Hai Oanh nói:
– Cách mấy tháng trước, con nhỏ tôi có thưa cho tôi hay rằng ba cậu thấy nó nghèo nên chiếu cố đến nó, muốn kết tình bằng hữu với nó, rồi chúa nhựt hội nhau mà dạy cho nó biết cách ở đời. Nó học ít, mà được hai cậu dạy dỗ thì quí biết chừng nào. Tôi vui lòng mà cho phép nó liền. Đã biết theo lễ nghĩa của Việt Nam mình thì con gái không được gần gũi với con trai như vậy. Nhưng mà tôi nghĩ sanh ở đời nào phải theo phong tục đời ấy. Ở đời nay mà giữ lễ xưa thì bất hợp thời. Đã vậy mà mấy cậu là người học giỏi, lại tôi biết tánh ý con nhỏ tôi, nhứt là nó có đeo chiếc cà rá của mẹ nó đó, thì tôi không cần ái ngại.
Lúc ấy cô Quế đương bưng hai tách nước trà đem lại để trên bàn, chỗ khách ngồi. Xuân với Quan ngó tay cô, thiệt cô đeo một chiếc cà rá vàng nhận hột ngọc đỏ bầm.
Cô Quế bước lui lại đầu ván mà ngồi, tay rờ rẫm, mắt ngó trân vào chiếc cà rá, sắc mặt buồn thảm chớ không vui vẻ như hồi nãy nữa.
Bây giờ trong nhà im lìm, một làn không khí sầu não phảng phất làm cho chủ khách đều không an.
Trong lòng ăn năn về mấy lời nói đó, dì Hai Oanh liền nói tiếp:
– Hễ nhắc tới chiếc cà rá là nó buồn. Hai cậu lại thăm chơi mà tôi vô ý tôi nhắc tới chiếc cà rá nên mất vui.
Cô Quế nói:
– Hột ngọc đỏ gắn trong chiếc cà rá nầy là máu của má con. Dì nhắc tới thì con làm sao vui cho được.
Quan không thể nín được, nên hỏi dì Hai:
– Theo lời của dì Hai và lời của em Quế nói, thì dường như chiếc cà rá mà em Quế đeo đó có một sự tích bí mật. Không biết anh em tôi có nên biết sự tích ấy không?
Cô Quế nói:
- Chiếc cà rá mà con đeo đây là cây nêu, là đèn rọi, để con nhắm mà đi trong đường đời. Dì cứ nói cho hai anh con biết, có hại chi đâu mà ngại.
Dì Hai Oanh ngó hai cậu mà nói:
- Chiếc cà rá đó là chuyện không đẹp trong thân tộc. Nhưng mà hai cậu đã là anh em với cháu tôi, chắc hai cậu biết chuyện không lẽ hai cậu chê cười. Vậy để tôi nói cho hai cậu hiểu. Chị em tôi là con nhà nghèo, từ nhỏ chí lớn phải chuyên nghề may mướn mà nuôi thân. Em tôi, là má của con Quế đây, hồi nhỏ có nhan sắc, ai thấy cũng ngấm nghé. Chúng tôi vẫn biết phận mình nghèo hèn, chúng muốn là muốn chơi qua đường, chớ có ai tính kết nghĩa trăm năm với mình bao giờ. Em tôi biết số phận như vậy, nên nó giữ gìn tới 20 tuổi không chút bợn nhơ. Một lúc nọ, có một người thuộc về hạng thượng lưu chớ không phải điếm đàng du đãng cứ theo dụ dỗ rù quến nó, nói nhân nghĩa nghe hay lắm, mua cho nó chiếc cà rá đó, hứa hễ để vợ xong rồi thì cưới nó. Em tôi tưởng nghĩa trăm năm, không cần dè dặt, nên kết tình với người ấy rồi sanh con Quế đó. Lúc sanh, em tôi nài nỉ người ấy đứng khai sanh dùm cho con Quế có cha. Người ấy nói vì để vợ chưa xong, nên đứng khai sanh thì trái luật, bởi vậy phải đợi để vợ xong rồi thì sẽ ra Tòa mà nhìn nhận con, chẳng muộn gì. Chị em tôi không biết luật, nên tưởng thiệt như vậy, không nghi ngại chi hết, chẳng dè chừng người ấy để vợ được rồi, lại kiếm cớ khác mà nói, cứ lần lựa hoài, không ra Tòa nhìn con Quế là con, mà cũng không đem mẹ con nó về ở chung. Đến chừng con Quế được 10 tuổi, người ấy lần lần không tới lui nữa, rồi sau lại đi cưới vợ, cưới con một ông điền chủ ở dưới vườn, bỏ dứt mẹ con Quế. Em tôi buồn rầu hết sức, ăn ngủ không yên. Một đêm con Quế đương ngủ, em tôi kêu con nhỏ thức dậy khóc mà nói hết sự bạc bẽo của cha nó cho nó nghe, lấy chiếc cà rá đeo vào tay con nhỏ, rồi lấy dao cắt họng mà chết. Em tôi nó trối với con nhiều lắm, làm cho con nhỏ cảm động, nên từ đó đến nay con Quế giữ chiếc cà rá đó hoài, không khi nào rời ra. Thấy gương của mẹ nó như vậy, con Quế nó oán hết đàn ông con trai, mấy năm nay trai nào chọc ghẹo nó đều bị nó từ nan hết thảy. Sự tích chiếc cà rá là vậy đó.
Quan trầm tĩnh, song ngay thẳng, bởi vậy nghe dì Hai Oanh thuật chuyện thì nóng giận không thể dằn được. Chừng dì Hai nói dứt lời, Quan châu mày hỏi: “Thưa dì, ông thượng lưu bạc tình giết đàn bà đó, chừng hay tin ổng có ăn năn hay không?”
Dì Hai lắc đầu đáp:
- Người ta có thèm tới lui gì đâu mà mình biết người ta ăn năn hay không ăn năn.
- Đã được một bài học ở đời rất thảm thương như vậy, ít nữa cũng phải hối hận mà nhìn nhận em Quế là con chớ.
- Không. Có nhìn đâu.
Cô Quế vùng nói lớn:
- Dầu có muốn nhìn đi nữa em cũng không chịu. Một người cha như vậy mà mình nhận là cha làm chi. Không đáng cho mình kêu là người nữa kìa.
Xuân nói:
- Anh kính phục mấy lời em nói đó lắm.
Quan nói với dì Hai Oanh:
- Dì Hai coi hai cháu cũng như con cháu trong nhà, nên mới đem việc gia đình mà nói cho hai cháu biết. Bây giờ anh em cháu được biết sự thống khổ của em Quế, thì anh em cháu lại càng quí trọng kính mến hơn nữa, quí mến thập bội phần.
Dì Hai Oanh nói:
- Xin mấy cậu thương dùm phận nó.
Xuân đứng dậy mà đáp:
- Ba anh em cháu hứa chắc chắn với dì, anh em cháu sẽ tận tâm mà bảo hộ em Quế, bảo hộ luôn luôn, không để ai gạt gẫm em Quế được đâu.
Dì Hai gật đầu cười và nói:
- Cám ơn các cậu.
Xuân và Quan từ mà về, sắc mặt buồn hiu, nhứt là Quan.